Dân Việt

Tội phạm đội lốt "đối tượng xã hội"

23/02/2011 19:04 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ 164 học viên là đối tượng ma tuý tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 Đà Nẵng nổi loạn, khống chế quản giáo để đào thoát đã gây chấn động dư luận mấy ngày qua.

Như Dân Việt đã thông tin, sáng 19.2, vụ "vỡ trại" cai nghiện ma tuý Đà Nẵng làm 164 đối tượng ma tuý "sổng" ra ngoài, rồi xộc vào trường học, nhà dân để cướp dao, rựa làm hung khí, cướp thuyền... hòng tẩu thoát. Thế nhưng, những biểu hiện ấy chỉ là bề ngoài của "một khối u", ẩn chứa nhiều nỗi lo cho xã hội...

 img
Các học viên trốn trại đã được đưa về trung tâm

Lộ danh kẻ cướp

Đến 22.2, sau gần 4 ngày đêm xảy ra vụ đào thoát tập thể tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, vẫn còn hàng chục học viên chưa trở lại Trung tâm này. Ngoài một số đối tượng có liên lạc với gia đình, còn lại phần lớn đều bặt tăm.

Đã có thông tin cho thấy, nhiều đối tượng bắt xe trên QL1A để tạm lánh sang các địa phương khác. Đặc biệt, riêng ngày 21.2, đã có ít nhất 2 đối tượng bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ vì hành vi đánh, cướp xe máy của nhân dân xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang - nơi đứng chân của Trung tâm này.

Một trong số đó là Bùi Nguyễn Cẩm Huy, SN 1981, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Sau một ngày đêm tháo chạy, lẩn trốn trong đói lạnh, đêm 20.2, Huy đã lần mò ra khỏi rừng sâu, tìm đường để trở về thành phố. Khi ra đến thôn Phò Nam, Hoà Bắc, Huy đột nhập vào nhà bà Nguyễn Cẩm Nhung rồi đánh, cướp xe máy tẩu thoát trong tiếng truy hô của khổ chủ. Giữa rừng núi thanh tịnh, lại gần trụ sở của Trung tâm 05-06, nên chỉ chạy được vài trăm mét, Huy đã bị công an bắt giữ.

Hành động trấn, cướp liều mạng này không thể ngụy biện cho việc tìm phương tiện để tẩu thoát, bởi không chỉ riêng Huy, mà hàng trăm đối tượng ma tuý trong và ngoài "trại" 05-06 đều đã từng và nhiều lần tái diễn việc trộm cắp, cướp giật, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, phục vụ tiêu xài, hút chích ma tuý.

Bởi vậy, khi vừa đạp đổ cổng tường rào Trung tâm, bị các lực lượng chức năng truy đuổi, bao vây, chúng lập tức dùng gậy gộc, đất đá tấn công lại quyết liệt. Súng chỉ thiên đã nổ, đạn pháo (loại không sát thương) dội rền vang. Nhưng tất cả xem ra không hề ảnh hưởng lớn đến sự "lỳ đòn" của các "anh chị". Chỉ đến khi gần 500 cảnh sát, dân quân tự vệ và công an địa phương nhọc nhằn vượt rừng sâu, lùng sục suốt 1 ngày, đến 7 giờ tối cùng ngày mới gom được gần 100 đối tượng.

Đối tượng xã hội hay hình sự?

img Đến thời điểm này vẫn còn khoảng 27 học viên chưa tìm thấy nhưng chúng tôi đã nắm được thông tin họ đang ở đâu. 27 học viên này chúng tôi sẽ giao cho công an và chính quyền địa phương quản lý, đặc biệt phối hợp với gia đình để vận động các em quay trở lại Trung tâm trong thời gian sớm nhất. img

Ông Lê Minh Hùng -

Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng

Theo quy định chung của pháp luật, các đối tượng nghiện ma tuý chỉ được xem là đối tượng xã hội. Tuỳ điều kiện của từng địa phương mà biện pháp cưỡng chế hành chính, đưa vào các trung tâm xã hội để cai nghiện tập trung có nghiêm khắc hay không.

Đà Nẵng là một trong số ít các địa phương thực hiện nghiêm khắc việc cưỡng chế hành chính này. Đặc biệt, khi chủ trương "5 không", trong đó có chủ trương "không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng" được triển khai quyết liệt, ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Công an và các cấp chính quyền TP.Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ.

Việc theo dõi, bắt quả tang và cưỡng chế hành chính đi cai nghiện xảy ra từng ngày, từng giờ, liên tục hơn 10 năm nay. Chính vì vậy, Đà Nẵng là số ít địa phương được hạn chế mức thấp nhất số người nghiện ma tuý còn lởn vởn trong cộng đồng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều quy định chưa hợp lý về thời hạn cai nghiện tập trung. Phần lớn, các đối tượng nghiện ngập đều tái sử dụng ma tuý ngay sau khi "mãn hạn".

Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp - Giám đốc Trung tâm này, hiện Trung tâm có 398 học viên, trong đó 387 đối tượng là ma tuý, 11 mại dâm. Trong 387 "con nghiện" ấy, có đến 181 đối tượng tái nghiện. Phần lớn là ra vào "trại" 3 cho đến cả chục lần. Nhiều trường hợp "thường trực" và có thể không xác định thời hạn ra "trại".

Còn Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng đưa ra con số đáng lo ngại hơn, rằng có đến 250/387 đối tượng nghiện ma tuý, hiện ở Trung tâm là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; phần lớn trong số đó đã vài lần ngồi tù, chịu án hình sự.

Cá biệt có đối tượng vào ra tù 4-5 lần. Tuy vậy, danh xưng "đối tượng" xã hội dành cho các đối tượng này tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 là hoàn toàn chưa hợp lý. Trước và sau khi đến Trung tâm, ranh giới "đối tượng xã hội" (tức "con nghiện") và "đối tượng hình sự" (tội phạm) rất đỗi mong manh.

Đón đọc bài 2: Trong mắt con nghiện, Trung tâm 05-06 chỉ là "trạm dừng chân", nơi an dưỡng, trị liệu đúng nghĩa. Chỉ túi ngân sách là thâm hụt nhiều mà gánh nặng xã hội chưa bao giờ được vơi.