Trao đổi kỹ thuật tại mô hình sản xuất lúa Viet CAP. |
Trước nhu cầu và theo định hướng sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Bộ NNPTNT, các cơ quan chuyên môn đã triển khai thí điểm việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP.
Đến nay đã có 9/13 tỉnh tại ĐBSCL được tổ chức tập huấn ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng GAP từ các chương trình của Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ngoài ra, các tỉnh còn tổ chức và xây dựng mô hình riêng cho tỉnh.
Kết quả cho thấy, nông dân quan tâm đến việc gia tăng chất lượng hạt gạo tiêu thụ trên thị trường và quan tâm đến những tác động xấu đến môi trường trồng lúa do việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Việc nêu lên các yêu cầu của ghi chép sổ tay sản xuất lúa đã giúp nông dân có ý thức hơn trong việc tính toán được giá thành sản xuất của từng vụ. Phần lớn các hộ đã thống nhất quy trình canh tác trong từng vùng sản xuất liền kề và rút ngắn các khoảng cách về chênh lệch năng suất, tìm ra được các yếu tố dư thừa làm tăng giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa và nâng cao giá trị hàng hóa của lúa.
Nông dân hiểu được một cách khái quát về sản xuất lúa theo GAP, nhằm đạt được các mức độ an toàn đối với người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài số lượng tập huấn ghi chép trực tiếp kể trên, việc tuyên truyền phổ biến ghi chép sổ tay sản xuất lúa còn được Cục Trồng trọt phối hợp với Công ty Phân bón Bình Điền, đài truyền hình các tỉnh ĐBSCL, VTV2 và các báo, đài địa phương thực hiện.
Thực tế đã có những điển hình gặt hái được thành quả từ thực hiện GAP trên cây lúa. Ở tỉnh Tiền Giang có Hợp tác xã Mỹ Thành Nam đã thực hiện quy trình sản xuất gạo theo tiêu chuẩn Global GAP và tháng 9.2008 đã được công nhận tiêu chuẩn này. Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn ADC đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã với giá cao hơn giá thị trường 20%.
Trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã lai tạo thành công những dòng gạo đặc sản như ST3, ST5, ST10 được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng với giá bán từ 15.000-17.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với gạo thường.
Phát huy lợi thế này, Sóc Trăng quy hoạch vùng lúa đặc sản xuất khẩu tại vùng lúa cao sản của 4 huyện: Ngã Năm, Mỹ Tú, Thạnh Trị và Kế Sách. Trong năm 2010, Hợp tác xã Hòa Lời – Mỹ Xuyên là điển hình trong vùng đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP với sản phẩm gạo Ngọc Đồng, Công ty Gentraco đã nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm này.