Dân Việt

Thần y trên dãy Trường Sơn

24/02/2011 18:22 GMT+7
(Dân Việt) - Dù làm việc trong một trạm y tế xã miền núi thiếu thốn đủ bề, nhưng anh đã cứu nhiều bà con dân bản thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Anh là Hồ A Trê - Trưởng Trạm Y tế xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị).

Đánh cược tính mạng vì người bệnh

img

Hồ A Trê đang thăm bệnh cho bệnh nhân.

Trong chuyến về huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), tôi được già Vỗ Thông giới thiệu có một “thần y” của người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn. Chờ tới 21 giờ, A Trê mới về đến Trạm Y tế xã sau ngày dài cật lực đi khám bệnh cho bà con.

Thấy chúng tôi, anh cười hiền: “Bây giờ vẫn còn sớm đấy, mọi hôm mình về đến đây đã quá nửa đêm”. Gần nửa đời theo nghiệp cứu người, Hồ A Trê đã đưa không ít người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Cách đây không lâu, một lần Kăn Mai bệnh nặng, cả bản Kưp (xã Húc Nghì) mổ trâu bò, thuê thầy mo về cúng thâu đêm suốt sáng. Nghe tin đó, anh vội băng rừng, lội suối tìm đến thuyết phục gia đình để anh khám cho bệnh nhân, nhưng mọi người nhất quyết không chịu. Già làng bảo: “Thầy mo đã phán phải nộp nó cho con ma rừng rồi.

Mày không cứu được nó đâu”. Thấy người bệnh mỗi lúc một nguy kịch, A Trê khẳng khái: “Bệnh nhân đang rất cần được cấp cứu. Tôi xin đem tính mạng mình ra đảm bảo. Nếu không cứu được người bệnh, tôi trao tính mạng mình cho bà con quyết định”. Thấy anh quyết liệt, gia đình đã cho anh vào khám cho bệnh nhân... A Trê thở phào khi Kăn Mai dần hồi tỉnh nhờ liều thuốc kịp thời của anh...

Ngoài công việc khám chữa bệnh, tranh thủ thời gian, A Trê thường xuyên đến thăm những hoàn cảnh neo đơn, già yếu... A Trê nói: “Sống ở đời cốt ở chữ tình, mình đánh cược tính mạng mà cứu được hàng trăm người bệnh thoát chết, âu đó cũng là hạnh phúc rồi”.

Giúp dân xóa bỏ hủ tục

Mình không mong có thành tích, chỉ mong bà con xóa bỏ mê tín, hủ tục, sống khoẻ để xây dựng buôn làng, phát triển kinh tế.

Sau bữa cơm tối, già Vỗ Thông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về phong tục tập quán của người Vân Kiều và tấm lòng của Hồ A Trê. Từ rất lâu rồi, theo quan niệm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, người ốm đau không phải vì bệnh tật, mà vì bị Giàng (ông Trời) trách phạt.

Vì thế, mỗi khi có người ốm đau, gia đình đều phải dốc toàn lực mua trâu, bò, gà, lợn... rồi mời thầy mo về cúng. “Vì tin vào điều đó nên 80% số người ốm đều không thoát khỏi cái chết”- lời già Vỗ Thông.

Chứng kiến cảnh đó, ngay từ khi còn đi học, Hồ A Trê luôn tự nhủ, mai này nhất định thi vào ngành y, học cách chữa bệnh để về bản làng chữa bệnh cho bà con. Tốt nghiệp lớp 12, anh chọn Trường Trung cấp Y Huế thực hiện ước mơ. Tốt nghiệp, A Trê tình nguyện về làm việc tại Trung tâm Y tế xã A Bung.

Để thuyết phục bà con tin vào y học, A Trê không ngần ngại trở thành “trạm y tế di động”. “Cõng” thuốc men và túi dụng cụ y tế trên vai, anh hăm hở đến các bản làng gần xa để vừa vận động, vừa chữa bệnh cứu người. Ban đầu, đi đến đâu, A Trê cũng bị xua đuổi đến đó, nhưng sau nhiều lần chứng kiến A Trê chữa bệnh, bà con dần tin tưởng. Từ đó, hễ có ai ốm đau là họ lại tìm đến anh.