Dân Việt

Lo thương nhân ngoại lách luật

29/05/2013 08:52 GMT+7
(Dân Việt) - Từ ngày 7.6.2013, Thông tư 08 của Bộ Công Thương sẽ có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ không được trực tiếp thu mua nông sản của nông dân nước ta.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều lo ngại là thương nhân nước ngoài vẫn tìm cách để lách luật.

Giảm tình trạng nông dân bị lừa

Theo quy định tại Thông tư 08 về hoạt động mua bán hàng hoá liên quan đến doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, điều khoản được chú ý nhất là “DN FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hoá đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu”.

img
Hai thương lái Trung Quốc (giữa) mua cá tại cảng cá Vĩnh Lương,TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Bộ Công Thương lý giải, quy định tại Thông tư 08 là cụ thể hoá Nghị định số 23 của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của DN FDI. Do đó, quy định này cũng hoàn toàn phù hợp luật pháp của Việt Nam và phù hợp với những cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập WTO.

img Nếu không kiểm soát tốt, thương nhân, DN nước ngoài sẽ vẫn tìm cách lách luật, đứng ở sau “giật dây”, thậm chí họ chẳng bao giờ xuất hiện, chỉ cần giao dịch qua điện thoại, qua mạng Internet nên việc kiểm soát, xử lý vi phạm của họ không hề đơn giản. img

Ông Huỳnh Tấn Lợi

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Theo tôi, quy định như thế là đúng, nếu không thương nhân, DN nước ngoài tự ý mua nông sản, sau đó đẩy giá lên cao khiến cho DN, nông dân Việt Nam đua nhau trồng các loại nông sản và DN nước ngoài sau đó sẽ quay lại ép giá (vì hàng nhiều) để mua được với giá rẻ, gây thiệt hại cho nông dân.

Ở nhiều nơi, rất nhiều các mặt hàng nông thủy sản như khoai lang, cà phê, thanh long, cá, cua... đều đã có những bài học đau đớn về chuyện bị ép giá, nhưng không ít nông dân thật thà vẫn bị thương nhân lừa.

Thống kê của Vicofa, hiện DN FDI đã chiếm lĩnh 60% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn/năm. “Chúng ta không đố kỵ DN nước ngoài và chúng ta tôn trọng những DN nước ngoài làm ăn chân chính, nhưng tuyệt đối phản đối những DN làm ăn chụp giật, đến nước ta chỉ tìm cách lừa lọc người nông dân” - ông Tự nhấn mạnh.

Còn theo ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc có quy định thương nhân, DN trong nước không được thu mua trực tiếp nông sản từ người nông dân nếu thực hiện được thì sẽ rất tốt. Thực tế, nông dân là người sản xuất ra các mặt hàng nông sản nhưng không phải ai cũng biết buôn, bán. Tuy nhiên, cũng có một số nông dân tự mang nông sản tới cửa khẩu, biên giới bán, lúc đầu DN hay thương nhân nước ngoài mua - bán rất sòng phẳng. Nhưng ở những lần tiếp theo, thấy kiếm được, nhiều nông dân gom thêm hàng mang tới thì thương nhân, DN nước ngoài lại chê hay từ chối mua, rồi ép giá rẻ mạt...

Còn nhiều kẽ hở

Bà Trương Thị Thống - Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tham gia vào Hiệp hội hiện có hơn 10 DN FDI. Trong năm 2012, sản lượng thu mua và xuất khẩu của các DN FDI chiếm đến 36,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của cả nước. Nếu nói mục tiêu của Thông tư 08 là nhằm mục đích hạn chế thương nhân, DN nước ngoài thu mua trực tiếp nông sản của người dân, từ đó gây lũng đoạn thị trường thì cũng rất khó kiểm soát.

Vì từ trước tới nay, một số thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, không chỉ có hồ tiêu mà cả dừa, lá điều, khoai lang... cũng đều thông qua thương nhân của Việt Nam. Họ “núp bóng” thương nhân nội?với mục đích gây cơn sốt về các mặt hàng này để cho người dân đổ xô vào trồng các loại nông sản, nhưng khi sản lượng dồi dào thì họ lại ép giá xuống để thu mua với giá rất rẻ.

Cùng chung nhận định trên, ông Võ Huy Hoàng - Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cho biết, làm việc với thương nhân nước ngoài dù có hợp đồng hay không có hợp đồng cũng vẫn rất hay xảy ra rủi ro. Có lúc, họ đặt hàng bằng hợp đồng, có lúc họ đặt hàng chỉ bằng “hợp đồng miệng”, DN thu mua thanh long của nông dân rồi mang tới tận cửa khẩu giao hàng nhưng họ nói “hàng bị hư hỏng nhiều” không lấy nữa. Thực tế, họ chỉ tìm cớ làm thật căng để hạ giá xuống, DN ta không bán thì cũng chỉ còn cách đổ đi nên đành phải nhượng bộ.

Ông Huỳnh Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước đây, thương nhân nước ngoài cũng đã từng thu mua trực tiếp khoai lang và một vài nông sản khác của nông dân ở địa bàn Vĩnh Long để tạo ra cơn sốt ảo. Để thực hiện được Thông tư 08 cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành công thương ở địa phương thường xuyên kiểm soát đầu ra của các nông sản.