Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có diện tích đất bị cây mai dương xâm lấn lên đến khoảng 6.000ha.
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, cây mai dương mọc đều trải dài dọc theo các con sông rạch, những khu công nghiệp bỏ hoang, đất nông nghiệp… Tại các khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, loài cây ngoại lai này đang phát triển ngày càng nhiều, mọc khắp mọi nơi. Đặc biệt hiện nay loài cây nguy hại này đang phát triển dữ dội ở một số khu rừng ở miền Tây.
Cây mai dương mọc dày đặc tại một đô thị miền Tây ĐBSCL. |
Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) hiện đang phải hết sức khổ sở chống chọi với cây mai dương. Mức độ lây lan của chúng hiện đang ở ngưỡng báo động. Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc vườn cho biết: “Vào khoảng những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, diện tích rừng bị cây mai dương xâm lấn chỉ khoảng 10ha, nay chúng đã phát triển, sinh sôi nảy nở hết sức nhanh chóng và diện tích đã tăng vọt lên đến xấp xỉ hơn 2.000ha, trong đó vài trăm ha cây mọc dày đặc (chiếm 25% diện tích rừng)”.
Theo ông Hùng, mặc dù lực lượng của vườn thường xuyên ra quân chặt cây, đốt, cắt trái… nhưng mai dương vẫn tiếp tục phát triển nhanh, lấn át nguồn thực vật bản địa, cỏ trời, bãi năng của sếu bị ảnh hưởng. Không chỉ xâm hại đến diện tích rừng tràm, cây mai dương còn đe dọa trực tiếp đến môi trường sống nhiều loài chim, bò sát… phá vỡ đa dạng sinh học ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, sinh kế của người dân.
TS Dương Văn Ni - khoa Môi trường – Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Giải pháp hữu hiệu nhất là tiêu diệt cây mai dương ngay từ nhỏ bằng cách nhổ cả cây con. Cần tổ chức đội ngũ chuyên môn, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng biết về tác hại nguy hiểm của loại cây này”.
Theo Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thì có 3 biện pháp cơ bản để diệt cây mai dương là thủ công, hóa học và sinh học; trong đó biện pháp sinh học đã được tiến hành ở Úc, Thái Lan... như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây, nhưng ở nước ta chưa được áp dụng.
Còn theo nghiên cứu của Vườn quốc gia Tràm Chim, có 5 loại hóa chất diệt cây mai dương thích hợp theo từng chu kỳ sinh trưởng là thuốc Glyphosate, Truyclopyr, Paraquat, Metsulfuronmethyl và 2,4D. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà nghiên cứu điều đáng ngại nhất là hạt của cây mai dương rơi đến đâu, theo nước trôi tới đâu... thì sẽ mọc cây tới đó. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước mùa mưa để hạn chế sự sinh sôi, nảy mầm.
Đức Khánh