Dân Việt

Đại sứ CH Czech dự ra sách của tác giả Việt Nam

30/10/2012 11:43 GMT+7
Ông Martin Klepetko, tân Đại sứ CH Czech ở Việt Nam, có mặt tại buổi giới thiệu truyện ký “3 cuộc đời - Chuyện Tây Ta” của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng tối 28.10.

Buổi ra mắt cuốn sách, viết về cuộc sống người Việt ở Tiệp Khắc trước đây, diễn ra tại Hà Nội.

Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng từng có nhiều năm học tập, công tác tại Tiệp Khắc trước đây và CH Czech sau này. Ông đã học qua hai trường đại học ở Czech. Dự lễ ra mắt sách, Đại sứ CH Czech tại Hà Nội, ông Martin Klepetko, nói: "Gọi Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng là người Việt hay người Czech đều được". Martin Klepetko cũng rất tâm đắc với lời đề từ cuốn sách "Bao nhiêu ngôn ngữ bấy nhiêu cuộc đời" của tác giả. Ông bày tỏ niềm vui mừng khi đúng ngày kỷ niệm 94 năm Quốc khánh CH Czech (28.10.1918) đã diễn ra sự kiện ý nghĩa.

undefined
Ông Martin Klepetko, Đại sứ CH Czech phát biểu tại Lễ ra mắt sách, thứ hai từ trái qua là tác giả Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng.

Buổi ra mắt sách cũng quy tụ rất đông anh em bạn bè của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng, những người từng có những năm tháng sống, học tập và làm việc tại đất nước Trung Âu. Sau lễ ra mắt, những bài hát về đất nước con người Czech, về tình hữu nghị giữa hai nước được cất lên bằng hai thứ tiếng.

Mặc dù đề ngoài bìa là "Truyện ký", "3 cuộc đời - Chuyện Tây Ta" được đa số ý kiến tại lễ ra mắt cho rằng có chất tiểu thuyết. Nhà văn Đặng Thân còn tiếc nuối, cuốn sách với độ dày 500 trang này có thể tách làm ba và ít nhất trong số đó cũng có hai cuốn được gọi là tiểu thuyết. "Với những gì đọc ở phần một, nếu như tác giả đầu tư kỹ lưỡng hơn, tôi tin Việt Nam sẽ xuất hiện một tác giả đáng chú ý", Đặng Thân nói. Tác giả "3.3.3.9 - những mảnh hồn trần" cũng phát biểu: "60 tuổi mới ra mắt cuốn sách đầu tiên nhưng cách nghĩ, cách viết của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng rất trẻ". Còn nhà văn Đà Linh nhận xét: "Thiên ký ức này không dừng lại ở trang cuối! Nó sống và tiếp tục tra vấn chúng ta với những câu hỏi đau đáu. Thật không dễ lảng tránh".

Các ý kiến cũng đánh giá cao phần tư liệu dồi dào, sống động của cuốn sách. Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Việt còn nhìn nhận ở sự đóng góp thêm một đầu sách cho mảng văn học của người Việt ở nước ngoài mà theo anh sẽ là thiếu sót nếu không "điểm danh" đến. PGS.TS Phạm Thành Hưng thì nói rằng, cảm giác của ông khi đọc "3 Cuộc đời - Chuyện Tây Ta" là dường như Đỗ Ngọc Việt Dũng đã "đem cuộc đời vào trang sách". "Chúng đi vào lòng tôi như một tác giả đang trên con đường chuyên nghiệp hóa", ông Hưng nói. Ông cũng nhận xét cuốn sách rất đậm chất phóng sự và giàu chất điện ảnh, sẽ rất thuận lợi nếu như dựng thành phim. Cùng nhận xét này, nhà thơ Lê Mỹ đã gọi Do.honza là "nhà nhiếp ảnh bằng chữ".

2xt-JPG-1351478469_500x0.jpg
Các vị khách mời tại Lễ ra mắt 2 cuốn sách của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng.

Tại lễ ra mắt, Đỗ Ngọc Việt Dũng chia sẻ, một lần tình cờ tiếp cận với một tập tài liệu của cảnh sát Czech về một số người Việt ở Czech, ông đã hình dung ra những con người ấy ở ngoài đời, đó là những người mà ông và cộng đồng người Việt đều nghe nói, thậm chí là những người quen biết, thế là bao nhiêu kỷ niệm thời ở Tiệp dội về.

Ông đã cầm bút viết. Nói về việc viết sách, tác giả chia sẻ, ông không định viết để trở thành nhà văn, mà ông viết là để "kỷ niệm những tháng năm sống ở Tiệp Khắc, để nhớ tới những người bạn của tôi". Về chủ đề "3 cuộc đời" của cuốn sách mà một số người cho là "khó hiểu", Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng chia sẻ: "Sống trong nhiều môi trường địa lý khác biệt, tiếp cận nhiều nền văn hóa nhân loại, trải qua nhiều biến cố chính trị, xã hội chúng ta đều có nhiều cuộc đời. 3 cuộc đời mong muốn mang đến cho các bạn sự trải nghiệm về những cuộc đời của một con người cùng đường dẫn dắt tới nhiều cuộc đời đồng loại khác gắn kết qua từng giai đoạn lịch sử…".

Cũng trong dịp này, Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng còn ra mắt cuốn sách "Truyền thống, trang phục dân tộc, ẩm thực Czech" do ông sưu tầm và biên dịch. Cuốn sách được sự tài trợ của Đại sứ quán CH Czech tại Hà Nội. Cả hai cuốn sách đều do Nhà xuất bản Lao động ấn hành.

Theo VnExpress