“Em tôi chết oan...”
Anh Trần Văn Thạo (40 tuổi, ở phố Đa Hội) đau đớn kể lại cái ngày định mệnh xảy đến với vợ mình: Khoảng hơn 17 giờ ngày 3.10, vợ anh là chị Trần Thị Đào (38 tuổi) đi bộ ra cánh đồng tập thể dục. Khi chị đi đến khu vực Cầu Dầm, phố Đa Hội thì bất ngờ bị một chiếc xe công nông chở đầy xỉ than ầm ầm lao tới. Chiếc xe vào cua đâm vào hàng gạch ven đường, rồi tiếp tục đâm vào chị Đào đang đi cùng chiều. Nạn nhân Đào được đưa đi cấp cứu ngay nhưng đã tử vong do chấn thương quá nặng.
Ở Đa Hội, xe công nông vẫn hoạt động như chưa có lệnh cấm. |
Theo điều tra ban đầu của Công an thị xã Từ Sơn, người điều khiển chiếc công nông gây tai nạn là Nguyễn Văn Sơn (SN 1995, ở Bình Sơn, Sông Công, Thái Nguyên). Còn người chủ sử dụng lao động, giao xe cho Sơn điều khiển là Trần Đức Ngời (Đa Hội). Chị Trần Thị Đỉnh (chị gái nạn nhân) bất bình nói: “Công nông là phương tiện đã bị cấm lưu hành từ lâu, nhưng ở Đa Hội có tới hàng trăm xe đầu ngang, đầu dọc hằng ngày vẫn mặc sức tung hoành. Em tôi lẽ ra không bị tai nạn oan uổng nếu như lệnh cấm được thực hiện nghiêm”.
Chính quyền tự ý thu phí
Từ 1.1.2008, Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Theo đó, xe công nông, xe tự chế bị cấm lưu hành. Thế nhưng lâu nay trên các đường ngang, ngõ dọc ở Đa Hội, hằng ngày xe công nông, xe 3 bánh tự chế vẫn hoạt động ầm ầm.
Ông Trần Văn Phúc – Trưởng khu phố Đa Hội cho hay, do đặc trưng của làng nghề nên loại phương tiện này rất hữu ích. Vị trưởng khu phố cũng thừa nhận xe công nông là phương tiện tự chế, nên khi hoạt động trên đường thường gây nguy hiểm.
Ông Phúc cũng khẳng định, nơi đây đã có nhiều vụ tai nạn do xe công nông gây ra. Có vụ nạn nhân còn bị xe đâm thủng cả bụng dẫn đến tử vong. Nhiều chủ xe công nông cho hay, để được hoạt động hằng tháng, họ đều phải đóng tiền phí giao thông cho phường. Khi đóng đủ lệ phí, mặc nhiên xe của họ được hoạt động.
Ông Đỗ Văn Hiền – Chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết: Hiện tại nơi đây vẫn còn hơn 100 đầu xe tự chế. Ông Hiền lý giải, sau khi có Nghị quyết 32 của Chính phủ, địa phương đã tích cực triển khai, trường hợp chuyển đổi nghề, chủ xe được hỗ trợ 4 triệu đồng, còn chuyển đổi phương tiện thì được hỗ trợ 9 triệu đồng. Có trên 100 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ để chuyển đổi.
Tiếp đó, năm 2009 -2010, lực lượng chức năng địa phương ra quân kiểm tra thu giữ 23 xe công nông. Thế nhưng sau một thời gian xe công nông lại hoạt động trở lại. Trả lời câu hỏi đã có lệnh cấm sao địa phương vẫn không dẹp bỏ được xe công nông, ông Hiền giải thích: Do triển khai chưa đồng bộ, có địa phương lân cận vẫn để tồn tại, người dân lấy đó làm cớ để so sánh nên khó dẹp bỏ.
Bên cạnh đó, do đặc tính của làng nghề sản xuất sắt thép nên phương tiện tự chế như công nông tỏ ra hiệu quả trong quá trình sản xuất. Khi phóng viên đặt câu hỏi, nhiều chủ xe công nông phải nộp phí cho UBND phường với mức 400 nghìn đồng/tháng để được lưu hành, ông Hiền thừa nhận có việc thu phí. Tuy nhiên vị Chủ tịch phường cũng lý giải: “Đây là thu trên cơ sở người dân tự nguyện đóng góp, để có kinh phí tu bổ, sửa chữa đường(?!)”.
Lương Kết