Mọi miền lên tiếng
Sau khi chính thức phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình cũng như sự quan tâm sâu sắc của rất nhiều cây viết từ mọi miền Tổ quốc. Từ vùng cao Hà Giang, vùng phên giậu biên giới Cao Bằng, miền Trung nắng lửa cho đến vùng Sóc Trăng, An Giang... Có thể nói nơi nào có màu xanh áo lính nơi đó có những câu chuyện vô cùng xúc động.
Đề tài phản ánh của các bài dự thi vô cùng đa dạng, đó có thể là một đơn vị bộ đội giúp dân làm kinh tế; một đơn vị khác khuyến khích cán bộ, chiến sĩ làm kinh tế trước tiên để cải thiện bữa ăn; một cựu chiến binh tìm cách thoát nghèo cho bản thân và làm giàu cho quê hương; một giám đốc tổng công ty của Bộ Quốc phòng vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp qua sóng gió... Tất cả những câu chuyện này đã được các tác giả phản ánh chân thực, sinh động dưới nhiều góc tiếp cận mới mẻ thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng cho tác phẩm dự thi.
Có thể thấy, qua những bài dự thi gửi về từ mọi miền đất nước, đã thấy thấp thoáng những cây bút có phong cách thể hiện riêng, thu hút sự chú ý của người đọc, như tác giả Trần Đăng, Ngọc Tấn, Hoàng Nghiệp... Bên cạnh đó là một lực lượng đông đảo những cây viết rất sung sức và nhiệt tình với cuộc thi thông qua số lượng tác phẩm rất lớn như tác giả Mè Quang Thắng hiện là học viên lớp Báo chí K31B- Học viện Chính trị (Hà Đông, Hà Nội) với 6 bài dự thi được sử dụng đăng báo.
Ấm áp tình người
Khi có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc thi, người đọc có thể nhanh chóng rút ra một nhận định, đó là dù trên mặt trận nào, những phẩm chất của người lính Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng, luôn khẳng định họ là một đội quân tinh nhuệ, trí dũng và giàu lòng tương thân tương ái.
Rất nhiều bài dự thi đã mang đến những câu chuyện làm xúc động lòng người, như những người thương binh tàn nhưng không phế trong tác phẩm “Người lính già và trang trại ba ba”, “Tỷ phú cơ khí và giấc mơ chưa trọn”, “Đánh giặc, làm giàu để mọi người bớt khổ”, “Hãy để tôi làm thử”... Trong chiến tranh, họ cống hiến một phần cơ thể và máu xương để giữ lấy từng tấc đất quê hương, trong hòa bình, họ không cam phận nghèo mà vẫn tiếp tục vươn lên để làm giàu cho gia đình và hơn thế, trợ giúp cho rất nhiều người nghèo khác nữa.
Xúc động nhất vẫn là những bài dự thi viết về các đơn vị quân đội giúp người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo. Đây cũng chính là mảng đề tài chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số gần 50 tác phẩm dự thi đã xuất hiện trên mặt báo.
Đó là câu chuyện về các chiến sĩ đồn biên phòng ở xã Thu Lũm (Lai Châu) đã cùng đồng bào người Dao vươn lên trong tác phẩm “Tình quân dân ở vùng đất cuối trời”, là những người lính ở trang trại trên đèo Vắn Tốc (Hải Hà, Quảng Ninh) hết lòng với người dân bản Cống Mằn Thìn không còn thiếu đói, 100% số hộ có xe máy, 70% mua được TV trong tác phẩm “4 anh lính và trang trại trong mây”.
Còn từ vùng đất Mo Ray (Sa Thầy, Kon Tum), tác phẩm “Tiếng trẻ thơ nơi rừng thẳm” là một câu chuyện khiến người đọc rơi nước mắt về chiến công của Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) khi trên vùng đất này, dưới những tán rừng cao su đã mọc lên một ngôi trường nội trú cho con em của những công nhân cạo mủ, dù nó mang dáng vẻ của một doanh trại, nhưng đã giúp các em được đi học, được gần gũi với cha mẹ thay vì phải về quê khi đến tuổi đi học.
Do cuộc thi được tổ chức trong một thời gian chưa quá dài, số lượng bài dự thi xuất hiện trên mặt báo chỉ định kỳ 1 lần/tuần nên bạn đọc cũng như Ban tổ chức chưa thể thỏa mãn hoàn toàn với chất lượng hiện có. Thế nhưng, dẫu sao, đó cũng là những tín hiệu rất đáng mừng thể hiện một thực tế không thể phủ nhận, chiến công của các chiến sĩ QĐND VN dù trên mặt trận đạn bom thời chiến hay mặt trận kinh tế thời bình cũng đều đã được xã hội ghi nhận xứng đáng.
Từ các tác phẩm dự thi, chân dung người lính Cụ Hồ càng hiện lên rõ nét và đẹp hơn bao giờ hết. Họ mang đến cho chúng ta niềm tin, rằng với sức người, trái tim, phẩm chất cao đẹp của người lính và kỷ luật thép của quân đội, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đem đến cho cuộc sống thật nhiều điều tốt đẹp.
Mai An