Nghiên cứu này được nhà sinh thái học hành vi, tiến sỹ Kathryn McNamara thuộc đại học Tây Australia và đồng nghiệp đăng tải trên tạp chí Biology Letters.
Các nhà nghiên cứu tiến hành nhốt ngài Plodia interpunctella vào trong 3 môi trường sống khác biệt: môi trường có nhiều con đực, có nhiều con cái và môi trường với số lượng con đực, con cái bằng nhau. Sau khi kiểm tra hệ miễn dịch của cả con đực và con cái trong các môi trường sống này, họ phát hiện ra, những con đực ở môi trường nhiều con cái có hệ miễn dịch kém hơn so với con đực ở các nhóm khác.
Thay vì phải tốn sức lực để tranh giành con cái, những con ngài Plodia interpunctella sống trong môi trường nhiều con cái chỉ tốn sức lực vào việc giao phối với nhiều con cái sống quanh mình.
Phát hiện này một lần nữa khẳng định mối quan hệ giữa hệ miễn dịch của động vật với sức lực mà chúng bỏ ra trong quá trình giao phối. Con đực càng dành nhiều năng lượng cho quá trình sản xuất tinh trùng hoặc giao phối thường xuyên thì hệ miễn dịch của nó càng kém.