Dân Việt

Tăng cường tuyên truyền về biển đảo trong nhà trường

30/05/2013 08:46 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 29.5, trong phiên thảo luận về Dự án Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN), một số đại biểu nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về biển đảo.

Đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội) khẳng định: “Chương trình phải được cập nhật những kiến thức cơ bản nhưng phải phổ thông, phù hợp với các đối tượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về biển đảo Tổ quốc”.

img
Trò chuyện với cán bộ, học sinh huyện đảo Trường Sa trong buổi tổng kết chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Ảnh: Thuận Hải.
Trả lời câu hỏi của PV NTNN về việc liệu đã đến lúc đưa sự kiện chiến tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa các cấp phổ thông và bậc đại học hay chưa, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Tất cả đều phải được cân nhắc theo nguyên tắc của khoa học lịch sử. Theo tôi, sự kiện chiến tranh biên giới 1979 cần cân nhắc trên phương diện ngoại giao, tình hình đất nước và rất nhiều yếu tố khác nữa…

Hải Phong (ghi)

Nhiều đại biểu cùng đồng tình khi đóng góp ý kiến vào việc nâng cao hiệu quả cũng như tính thiết thực về giáo dục QPAN trong nhà trường. Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho biết: “Cần phát huy tối đa vai trò của Đoàn, Đội trong giáo dục QPAN trong trường tiểu học, trung học cơ sở để hạn chế làm tăng bộ máy.

Việc thực hiện lồng ghép giáo dục QPAN thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc lồng ghép nên bố trí vào dịp hè và tổ chức liên tục từ 10-15 ngày tại các trung tâm bảo đảm điều kiện theo tiêu chí “học mà vui, vui mà học” sẽ mang lại hiệu quả cao”.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) bày tỏ: “Nên coi đây là môn học chính khóa bởi nếu không sẽ khó tránh khỏi việc có sự phát sinh trong bộ máy giáo dục và tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước”. Lấy dẫn chứng về mô hình giáo dục QPAN của một số quốc gia trên thế giới, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, việc giáo dục QPAN tại một số nơi ở nước ta còn mang tính hình thức, qua loa. Vì vậy, đại biểu Thắm đề nghị cần nâng cao việc phân công trách nhiệm để công tác này đạt hiệu quả và mang tính thiết thực hơn.