Dân Việt

Não trạng hình dấu hỏi

30/05/2013 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 10 năm ngoái, khi Luật Quản lý thuế được đưa ra nghị trường, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó đã lắc đầu, một số ý kiến vẫn đặt ra vấn đề “Cảnh sát thuế”.

Lý do cho sự tồn tại của lực lượng này là vì tình trạng trốn thuế quá nhiều. Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi đó là ông Vương Đình Huệ, đã đăng đàn để đưa ra con số: Chỉ riêng trong lĩnh vực nhập khẩu, có khoảng 20% doanh nghiệp (DN) thường xuyên chây ỳ thuế và vi phạm pháp luật về hải quan.

Cảnh sát thuế tất nhiên sau đó bị bác bỏ. Bởi 20% chây ỳ không phải là lý do có thể thuyết phục. Những tưởng câu chuyện đã thuộc về quá khứ, thì đến hôm qua, nghị trường lại nóng rực khi nhà sử học Dương Trung Quốc đăng đàn để nói về một thứ “não trạng chung”. Thứ não trạng dè chừng, cảnh giác với DN xung quanh một hạn mức khống chế tưởng như là một vấn đề “nhỏ” trong Luật Thuế thu nhập DN. Đại khái, dự thảo luật quy định nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi từ 10% lên 15%.

Nhà sử học khẳng định mức khống chế 15% như chỉ “dành cho các DN sơ sinh”. Ông Quốc đặt câu hỏi: Tại sao không phải là 15-20% hoặc hơn nữa thay vì 10-15%? Và ông kết luận: Chúng ta đang có não trạng chung là dè chừng cảnh giác với DN chứ không tin DN, không thấy rằng DN phát triển mới tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế.

Nhắc lại chuyện các DN đang phải cạnh tranh không bình đẳng trên chính đất nước mình, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi “là 1 khoản đầu tư chứ không vứt đi đâu cả. Nhà nước cũng vẫn thu được thuế qua các hoạt động đó”. Và phải “nhìn như vậy chúng ta mới thoát ra khỏi sự dè dặt để 4 năm nữa khỏi phải sửa luật để nhích lên vài %”. Nguồn thu bền vững của Nhà nước cũng là sự phát triển của DN- ông nói.

Những nhà làm luật có lý do để đưa ra mức khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị vì trong thực tế, đó là những khe hở để các DN “lách chi phí”. Nhưng rõ ràng, không thể lấy một nguy cơ “có thể xảy ra” và cũng có thể không xảy ra- làm lý do cho việc đặt ra một cái nút cổ chai. Rõ ràng không thể tồn tại mãi một thứ não trạng cảnh giác thay vì tin tưởng.