Chính quyền xã mệt mỏi
Cuối năm 2012, tại khu vực núi Pù Lè, thôn Tú Tạo, xã Xuân Chinh, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã nhiều lần dẹp nạn “vàng tặc” bằng cách cho nổ mìn lấp hang, đốt lán, xử phạt hành chính, xua đuổi nhiều đối tượng khai thác vàng trái phép. Gần đây nhất, vào thời điểm tháng 4 vừa qua, ngành chức năng huyện Thường Xuân, UBND xã Xuân Chinh đã cho nổ hàng chục kg mìn để lấp hang khai thác vàng trái phép tại khu vực thôn Tú Tạo.
Ông Cầm Bá Nhang - Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh và những vỏ lọ thuốc diệt rệp đã phun vào hầm vàng hồi tháng 4 vừa qua. |
Hồi đầu tháng 5 vừa rồi, ở khu vực suối Tĩnh, thôn Cụt Ặc, xã Xuân Chinh lại xuất hiện một số người đưa máy xúc, ủi, ô tô tải chở các thiết bị tự tiện mở đường vào khu vực này, có dấu hiệu khai thác vàng trái phép. Sau đó, từ ngày 7 - 8.5, lực lượng Kiểm lâm, Công an huyện Thường Xuân phối hợp với chính quyền địa phương đã yêu cầu các đối tượng vận chuyển các thiết bị ra khỏi khu vực.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Cầm Bá Việt - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Chinh, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng chức năng giải tỏa các tụ điểm khai thác vàng trái phép nhưng cứ dẹp được chỗ này lại tái xuất hiện điểm khác gây mệt mỏi cho cán bộ cơ sở.
Trong khi đó, quyền hạn của UBND xã chỉ có thể yêu cầu các đối tượng ra khỏi địa bàn, phá dỡ, đốt lán trại của các đối tượng, xử phạt hành chính (tối đa 2 triệu đồng/lần phạt) mà thôi”. Cũng theo ông Việt, mỗi năm chính quyền xã Xuân Chinh phải chi tới trên dưới 100 triệu đồng để làm kinh phí cho việc đi dẹp nạn khai thác vàng trái phép.
Phun thuốc diệt rệp mía vào hầm vàng
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Cầm Bá Nhang - Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, cho biết: “Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, do tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra ở khu vực thôn Tú Tạo trở nên phức tạp nên UBND xã đã họp bàn và thống nhất ngăn chặn nạn đào vàng trái phép bằng cách… phun thuốc sâu, thuốc diệt rệp mía vào 2 hầm vàng ở khu vực nêu trên.
Khi chúng tôi hỏi vì sao lại dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt rệp, ông Nhang thẳng thắn: “Chúng tôi không có thời gian để đi tuần tra cả ngày lẫn đêm được nên phải dùng cách đó thôi. Đó cũng là lực bất tòng tâm rồi”.
Cũng theo ông Nhang thì việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt rệp mía đổ vào 2 hầm vàng không được báo cáo lên huyện. “Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi cho phun 2 lần thuốc trừ sâu vào hang. Lần thứ nhất vào ngày 28 Tết để anh em cán bộ ở xã có thời gian nghỉ ngơi ăn tết chứ không thể đi dẹp suốt ngày, đêm được.
Lần thứ hai là vào tháng 4 vừa rồi, nhưng lần này chúng tôi phun bằng thuốc diệt rệp mía. Mỗi lần, chúng tôi dùng từ 4-5 lọ thuốc phun cho mỗi hầm. Trước khi phun thuốc, chúng tôi cũng thông báo cho bà con các thôn là không được vào khu vực đó nữa. Ai cố tình vào hang đào vàng trái phép, nhiễm phải thuốc trừ sâu, diệt rệp mía mà bị ảnh hưởng gì đến bản thân thì chúng tôi không chịu trách nhiệm”- ông Nhang nói.
Về hiệu quả của phương pháp này, ông Nhang cho biết: “Vì chúng tôi thông báo rộng rãi cho các thôn nên không còn ai dám vào khu vực đó nữa. Cũng không có ai bị nhiễm độc thuốc diệt rệp cả. Hiện nay, tình hình đã tạm yên ổn rồi”.
Hồng Đức