Dân Việt

Cần giao đất cho người trồng rừng

30/05/2013 06:47 GMT+7
(Dân Việt) - Lâm trường Tân Lạc (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) chỉ có 8 cán bộ nhưng quản lý trên 1.200ha đất rừng, trong khi đó nhiều hộ dân nơi này không hề có đất trồng rừng để xóa đói, giảm nghèo.

Người trồng rừng "khát" đất

Xóm Nhót, xã Thanh Hối (Tân Lạc, Hòa Bình) có 150 hộ dân thì cả 150 hộ dân này đều thiếu đất sản xuất, thậm chí có nhiều hộ còn không có đất, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Anh Bùi Văn Nhịnh - Bí thư chi bộ xóm Nhót, xã Thanh Hối chia sẻ: "Người dân miền núi chúng tôi chỉ biết dựa vào rừng để sống. Thời gian qua, cuộc sống rất khốn khổ vì không có đất sản xuất. Điển hình như gia đình tôi, do sinh sau đẻ muộn nên không được giao đất trồng rừng".

img
Người dân miền núi sống dựa nhiều vào rừng.

Cũng với nỗi niềm trên, bác Bùi Văn Út cho biết: "Đã nhiều năm qua do không có đất để sản xuất nên rất nhiều người trong xã rời bỏ quê hương để kiếm sống, người thì vào Nam, người thì xuống các tỉnh đồng bằng làm thuê làm mướn. Trong lúc đó, Lâm trường Tân Lạc (thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình) chỉ có 8 cán bộ (không có công nhân) mà quản lý những 2.000ha đất rừng, tức mỗi người quản lý 250ha. Người dân thì không có đất, lâm trường thì quá nhiều đất mà lại không quản lý hiệu quả".

img Xã đã làm tờ trình nhiều năm kiến nghị cũng như trong các buổi tiếp xúc với các đoàn đại biểu QH, HĐND đã nhiều lần có ý kiến giao đất rừng lại cho người dân nhưng không có kết quả. img

Ông Bùi Văn Huyền

Thực tế trong mấy năm qua, người dân xóm Nhót đã rủ nhau sản xuất trồng cây trên đất của Lâm trường Tân Lạc. Anh Nhịnh cho biết: "Tôi cũng theo làng, theo xóm vào chiếm đất rừng của lâm trường được 3.000m2 đất để trồng cây keo, từ việc canh tác này, gia đình tôi đỡ khổ hơn trước, chúng tôi có tiền cho hai đứa con đến trường". Theo các hộ dân, từ số đất lấn chiếm để canh tác, bình quân mỗi gia đình có thêm 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, còn nếu làm thuê cho lâm trường thì mỗi năm chỉ được hơn 600.000 đồng.

Cần giao đất cho người trồng rừng

Trao đổi với chúng tôi về việc xảy ra xâm lấn tranh chấp đất giữa lâm trường và người dân, ông Bùi Văn Huyền - Chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho hay: "Hiện nay lâm trường chủ yếu là cán bộ quản lý, không còn công nhân nên họ lấy đất cho hộ cá nhân ở bên ngoài xã thuê làm và thực tế là không hiệu quả. Không chỉ xã Thanh Hối mà các xã lân cận có đất lâm trường xảy ra tranh chấp đất rất nghiêm trọng giữa người dân và lâm trường. Tại địa bàn xã Thanh Hối, lâm trường quản lý 43ha, hiện dân lấn chiếm cả chục ha".

Không chỉ người dân ở xã Thanh Hối mà tất cả các xã khác trong huyện Tân Lạc đều mong muốn được giao đất để trồng rừng, sản xuất canh tác. "Đảng, Nhà nước đang có chủ trương xóa đói, giảm nghèo, nên chúng tôi có nguyện vọng tạo điều kiện giao đất lại cho dân sản xuất để có công ăn việc làm, xóa nghèo" - anh Nhịnh đề xuất. Về vấn đề này, ông Bùi Văn Huyền - Chủ tịch UBND xã Thanh Hối chia sẻ: "Xã đã làm tờ trình nhiều năm kiến nghị cũng như trong các buổi tiếp xúc với các đoàn đại biểu QH, HĐND đã nhiều lần có ý kiến giao đất rừng lại cho người dân nhưng không có kết quả".

Ông Bùi Văn Phư - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc cũng đồng tình với quan điểm trên: "Lâm trường chỉ có một số cán bộ khung, vậy nên thu hẹp lại diện tích để quản lý tốt hơn. Cần giao đất cho người dân để họ canh tác, sản xuất".