Dân Việt

Chồng trẻ con và tệ bạc, tôi có nên ly hôn?

31/10/2012 19:09 GMT+7
Dân Việt - Khi tôi viết những dòng tâm sự này tâm trạng đang ngổn ngang và rối bời. Hai chữ "ly hôn" cứ ám ảnh trong đầu. Tôi phải làm thế nào với người chồng trẻ con và tệ bạc. Tôi phải làm gì tốt nhất cho con trai tôi?

Chúng tôi tình cờ quen nhau qua một người bạn, lúc đó anh bị tôi thu hút bởi thái độ hơi kiêu kì, còn tôi để ý anh bởi gương mặt đẹp mà lạnh. Có thể, chỉ ở cái tuổi dở dở ương ương người ta mới để ý nhau theo kiểu đó. Vậy mà rồi chúng tôi yêu nhau. Khi đó tôi 19, còn anh 21, hơn tôi chỉ hai tuổi.

Bạn bè tôi cứ thắc mắc không hiểu sao tôi yêu anh, bởi họ biết anh là thằng chẳng quan tâm và để ý đến ai cả, cậu ấm con nhà giàu mà. Nhưng họ đâu có biết, bên ngoài thì có vẻ lững lờ, lạnh lùng và hơi có chút bất cần, nhưng anh lại sẵn sàng đi hàng chục cây số dưới trời nắng chỉ để mua cho tôi một món ăn tôi thích. Và cũng chỉ tôi mới biết, đằng sau cái vẻ bất cần đó là một tâm hồn bị tổn thương vì thiếu tình thương yêu của gia đình, cái gia đình mà ai nhìn vào cũng ngỡ là sung sướng và giàu có.

Bố mẹ tôi ra sức ngăn cản, bởi mẹ tôi từng bảo: "Nhìn tướng của nó cuối cùng cũng chỉ là một cậu ấm, hết đời không thể tự kiếm được một đồng nuôi vợ con, phụ nữ mà lấy phải chồng kiểu đó thì khổ đến chết". Người lớn thường nói không sai, nhưng con cái lại không bao giờ tin.

img
 Ảnh minh họa.

Khi tôi phát hiện mình có bầu 2 tháng, anh quỳ xuống chân tôi xin giữ lại đứa con và nói sẽ xin gia đình tổ chức đám cưới, anh thề sẽ yêu thương mẹ con tôi suốt đời dù lúc đó anh mới 22 tuổi. Mẹ đã khuyên tôi không nên lập gia đình khi tôi còn quá trẻ, tôi còn cả một tương lai phía trước.

Ở tuổi 20, tôi chưa có hành trang gì để bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhưng rồi, bao nhiêu lý lẽ cũng không thắng nổi con tim. Chúng tôi có một đám cưới tưng bừng. Dù lấy chồng khi còn rất trẻ nhưng tôi thấy hạnh phúc với lựa chọn đó, và còn hạnh phúc hơn vì con đang lớn lên từng ngày.

Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, tính “công tử bột” của anh ấy dần bộc lộ. Khi tôi ở cữ, một mình tôi tự chăm con, vì bố mẹ tôi vẫn còn đang công tác, nhà chồng tôi lại không giúp được gì. Tôi vừa tự chăm con, nấu cháo cho mình và nấu cơm cả cho anh. Vậy mà anh còn ỉ ôi, nói cơm bà đẻ khó nuốt, nên phải đi ăn hàng, rồi anh lấy xe đi luôn nửa ngày, không cần biết hai mẹ con ở nhà xoay sở ra sao.

2h sáng anh về trong tình trạng rượu bia nồng nặc, chắc lâu lắm mới được tụ tập với đám bạn bè cũ. Nhìn thấy tôi là anh ấy la toáng: Chỉ vì cô mà tôi mất tự do, phải đèo bòng. Anh đi thẳng lên phòng mà không cần hỏi thăm con lấy một câu. Chúng tôi vẫn thi thoảng cãi vã, nhưng việc không được anh giúp đỡ dần trở thành quen, tôi không cần anh nhiều nữa.

Khi con trai tôi được 11 tháng tuổi thì anh đề nghị cả nhà chuyển về quê ở, vì ở đó có ông bà nội của anh giúp đỡ trông con, chúng tôi sẽ được đi học lại. Ông bà anh khá giả, chúng tôi sẽ có điều kiện lo cho con trai đầy đủ hơn. Trong điều kiện tay trắng và không nghề nghiệp như tôi và anh lúc đó, thì đây có vẻ là một giải pháp hay.

Tôi tin anh và quyết định rời bỏ Hà Nội về quê chồng sinh sống, mặc cho bố mẹ tôi hết sức can ngăn. Tôi không tài nào tưởng tượng được đó lại là một chiêu bài tống khứ mẹ con tôi để anh được rảnh rang một mình. Ở nhà ông bà được hai tháng anh lại thông báo rằng, anh sẽ lên Hà Nội học tiếp, nhưng không quên vỗ về tôi: Em và con cứ ở lại đây, vì một năm anh cũng chỉ học trên Hà Nội có mấy tháng, sẽ không xa hai mẹ con nhiều đâu.

Tôi bị rơi vào tình trạng trở đi mắc núi trở lại mắc sông, ông bà anh một mực bảo muốn ở gần chắt đích tôn vì ông bà không sống được bao lâu nữa. Phụ nữ mà, dù có ghét chồng đến đâu, thì nghe chồng dỗ ngọt cũng khó lòng từ chối. Chồng tôi thề non hẹn biển rằng, cứ nghỉ học là về với hai mẹ con ngay, tôi lại tiếp tục tin những lời thề thốt đó.

Tôi không biết rằng từ đây, mình đã trở thành osin bất đắc dĩ. Một tháng, hai tháng trôi đi quá nhanh, tôi miệt mài ở nhà chăm sóc con và ông bà của chồng, nhưng những lần về thăm vợ con của chồng tôi cứ thưa dần. Con tôi lúc tập gọi bố mà còn thấy gượng gạo, vì nếu tính thời gian, có lẽ số ngày bố nó ở cạnh ít lắm với số tuổi của con. Tôi và con cứ vò võ một mình, còn chồng ở Hà Nội làm trời làm biển tôi không thể biết.

Gần 3 năm qua đi nhanh, nhưng ngày anh phải học xong mãi vẫn không thấy đâu. Tình cảm thì cứ nhạt dần, anh không thể trả lời nổi cho tôi những số điện thoại gọi đến trong đêm, và ngay sau đó là những cuộc điện thoại anh gọi taxi đi đâu đó. Và thực sự, sau gần 3 năm, tôi không còn thấy yêu anh bao nhiêu, nhưng tôi vẫn muốn giữ một tổ ấm cho con trai tôi, dù cái tổ ấm đó không có nhiều hình ảnh của người bố.

Sức chịu đựng của con người có hạn, tôi còn trẻ, tôi không thể sống mãi cùng ông bà chồng. Tôi xin phép nhà chồng cho mẹ con tôi lên Hà Nội, tôi phải đi làm, phải tự nuôi con, tôi không thể sống cả đời nhờ mấy đồng tiền trợ cấp của ông bà nội chồng năm nay đã ngoài 80 tuổi.

Biết tin đó, chồng tôi chạy vội về, phản đối kịch liệt, cả nhà chồng xúm vào nói rằng tôi phải có trách nhiệm phụng dưỡng ông bà nội vì chồng tôi từ bé được ông bà nuôi nấng. Nhà anh còn dọa tôi rằng, nếu tôi nhất quyết lên Hà Nội thì hai đứa chỉ còn nước chia tay. Khi còn yêu chồng thì đó là điều tôi sợ nhất, còn bây giờ, lời dọa nạt đó không đủ sức giữ chân tôi nữa.

Giờ đây, tôi trở về ở nhà bố mẹ đẻ cùng con trai, tôi đã tìm được một công việc tốt và gần như cắt đứt mọi liên hệ với chồng, dù chúng tôi ở không cách xa nhau bao nhiêu. Có điều, giữa chúng tôi vẫn còn một tờ giấy hôn thú, và một sợi dây ràng buộc là cậu con trai bé nhỏ. Tôi chỉ mới 25 tuổi, tôi có tuổi trẻ, sắc đẹp, tôi muốn ly hôn với chồng để làm lại từ đầu. Nhưng nhìn con trai, tôi lại muốn giữ cho con một người bố, tôi phải làm sao đây?

-----

Bạn đọc có ý kiến chia sẻ xin gửi về email baodanviet@gmail.com. Bài viết được chọn đăng được hưởng nhuận bút. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản để tòa soạn thuận tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn.