Sang Việt Nam sinh sống với nghề chế biến thực phẩm khi tuổi đã gần bước qua 60, C.B. mong tìm được một cô vợ Việt Nam để có thể sống hết phần đời còn lại trên mảnh đất Sài Gòn mà ông vốn yêu mến.
Trong những lần rong ruổi xuống Đồng Nai để tìm nguồn nguyên liệu, C.B. đã xao lòng trước một cô công nhân trại chăn nuôi gà, dáng nhỏ bé nhưng rất lanh lợi. Sau một thời gian tìm hiểu, ông quyết định rước nàng về sống chung. Vốn lanh lợi hơn người nên Y., người yêu của ông rất dễ dàng hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng người Pháp bạn của C.B.
Tưởng rằng thế là mỹ mãn, nhưng ông cũng không ngờ, cái tốt Y. học nhanh nhưng cái xấu Y. học còn nhanh hơn. Từ một cô công nhân nuôi gà thuần chất, chẳng mấy chốc Y. làm quen với quán bar, vũ trường.
Ban đầu chỉ là những buổi tụ tập cuối tuần cùng C.B. và bạn bè của ông, sau rồi khi C.B. bận hay ngay cả khi không cần đến ông, cứ thích là Y. đi. Ban đầu C.B. cũng chiều theo ý thích của Y. nhưng rồi do hằng ngày quần quật trong xưởng chế biến, tối về ông không thể theo nổi những cuộc chơi của cô vợ trẻ nên để mặc Y. muốn làm gì thì làm.
Ông mong mỏi một đứa con, hy vọng con trẻ sẽ kìm được bước chân vợ ở nhà, nên ngay khi Y. báo tin có thai, ông đã mừng lắm. Dù chưa kịp làm hôn thú, nhưng nghe lời nỉ non của cô vợ hờ, ông cũng vét hết tiền bạc để mua một căn nhà cho Y. đứng tên. Lấy lý do hợp đồng thuê nhà chưa hết hạn, vả lại nhà mới mua cho thuê được giá, Y. lại thuyết phục ông cho thuê căn nhà mới và cả nhà tiếp tục ở nhà thuê cho tiện sinh hoạt. Ngất ngây vì sắp được làm bố, mọi yêu cầu của Y. ông đều đáp ứng.
Ngày con chào đời, ông mừng hơn bắt được vàng, vội vàng lên lãnh sự quán làm khai sinh cho con mang tên ông. Như chỉ chờ có thế, khai sinh chưa ráo mực, cô vợ trẻ đã để đứa bé còn đỏ hỏn lại cho ông và ôm quần áo ra đi.
Một mình loay hoay với đứa con còn đỏ hỏn, ông vẫn hy vọng vợ giận dỗi đi đâu mấy ngày sẽ về. Cho đến khi tìm đến căn nhà mà ông mua cho vợ, chứng kiến tận mắt cảnh cô vợ hờ đang tay trong tay với người tình trẻ, ông mới ngộ ra mình đã mất tất cả.
Giờ đây, con ông đã gần 6 tuổi, chưa một lần mẹ nó về thăm. Có người hỏi ông, liệu có chắc đứa trẻ là con ông không mà sao ông phải bận lòng đến vậy, ông bảo, nó đã mất mẹ khi mẹ nó còn sống, mẹ nó đã giao cho ông thì nó chắc chắn là con ông, thắc mắc chi cho thằng nhỏ thêm đau lòng.
Vướng bận con nhỏ, ông cũng không thể tự mình điều hành công việc, đành phải bán cho người ta và trở thành người làm công trong chính cái xưởng mà ông tạo nên trước đây. Thỉnh thoảng tôi điện thoại đặt đồ, lại thấy ông mang hàng đến, lúc nào cũng với thằng con trên cái ghế trước xe. Một già, một trẻ song hành. Chưa một lần ông lên tiếng trách Y. đã lừa dối mình, chỉ duy nhất một điều ông đau đáu, vì sao Y. nỡ bỏ con?