Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy nhiên, những kế hoạch này chỉ tập trung vào hệ thống y tế, ít tiếp cận theo hướng toàn xã hội...
Vì vậy, theo các đại biểu, việc xây dựng một kế hoạch tổng thể huy động mọi nguồn lực xã hội trong việc sẵn sàng ứng phó đại dịch là điều cần thiết. Trong đó, cần chú trọng huy động nguồn lực của các tổ chức xã hội, khối doanh nghiệp, cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các lò giết mổ, các chợ mua bán động vật và sản phẩm động vật, không để tạo thành mầm bệnh. Tăng cường hoạt động giám sát dựa vào cộng đồng, nhất là cộng tác viên thú y tại thôn, bản, xã, phường để theo dõi tình hình và phát hiện sớm gia cầm nghi ngờ mắc bệnh, nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời…
* Ngày 31.10, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Theo báo cáo của Cục Thú y, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang là điểm nóng của cả nước về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Dịch lở mồm long móng xuất hiện ở 7 tỉnh, khu vực này có tỉnh Quảng Nam. Cả nước có 5 tỉnh đã công bố dịch tai xanh, trong đó 4 tỉnh thuộc khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát, lây lan bệnh trên gia súc gia cầm là do việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật từ các vùng biên giới...
Hữu Thông - Mai Khuê