Dân Việt

Thiếu công bằng với dân

01/11/2012 13:15 GMT+7
(Dân Việt) - Phát biểu tại Quốc hội ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khiến cử tri và nhân dân lạc vào “ma trận” khi tung ra hàng loạt những thuật ngữ kiểu “tỷ lệ động viên thuế phí”, rồi “ngân sách”, rồi “% GDP”...

Tóm lại, ý Bộ trưởng muốn nói thuế phí ở Việt Nam không phải cao gấp từ 1,4 đến 3 lần mà các nước khu vực như báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Bởi các nước chỉ tính thuế trên ngân sách T.Ư, trong khi ở ta, tính tất, cả từ việc bán tài nguyên là dầu thô, đất đai, lẫn viện trợ.

Những con số mà Bộ trưởng thậm chí dùng “GDP” để nói, thật ra khiến người dân mù tịt. Và đã mù tịt thì làm sao có thể thuyết phục được họ tin. Nhưng dường như việc sử dụng “thuật ngữ ma trận” không hoàn toàn tình cờ. Bởi khi khẳng định thuế phí ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với thế giới và khu vực, thì Bộ trưởng lại “quên” không so sánh thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam so với thế giới và khu vực.

Cụ thể hơn, trong khi thu nhập và chất lượng sống thấp thì các giá cả hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam đang được tính toán và so sánh nhằm hướng tới "hội nhập" với giá cả thế giới. Chẳng hạn như giá xăng, thứ giá mà Việt Nam đang hướng và quản lý “theo giá thế giới”- như khẳng định của Bộ trưởng Huệ. Hoặc giá điện “thấp hơn giá thế giới” (mà vài hôm nữa, có thể Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng sẽ kêu than).

Sự suy giảm và tụt lại về mặt thu nhập và đời sống, so với mức thuế phí được thanh minh là “trung bình so với thế giới và khu vực” đang cho thấy tư duy trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến thuế phí là rất thiếu công bằng với đời sống người dân. Không nói đâu xa, khi quyết định số tiền lương tăng thêm 100.000 đồng (mà cũng chỉ cho 8 triệu đối tượng) thì Bộ Tài chính cũng quyết thu đúng 100.000 đồng theo kiểu “bổ đầu” đối với hơn 40 triệu chiếc xe máy, thực ra là đôi chân, là chiếc cần câu cơm của dân chúng. Thậm chí, xe đạp điện cũng không được tha.

Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân sách nhà nước. Nhưng dứt khoát đó không phải là từ việc tư lệnh ngành tài chính đưa ra một thứ “ma trận” để cử tri và nhân dân thực lạc vào đó mà không biết đầu cua tai nheo thế nào. Đó cũng là điều cần phải rút kinh nghiệm.