Dân Việt

Báo chí phải tôn trọng bí mật đời tư công dân

02/11/2012 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 1.11, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN) đã tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân”.

Nhà báo Đà Trang – Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội cho rằng:

“Báo chí bây giờ xâm phạm đời tư người khác phổ biến quá. Tôi thậm chí e ngại với suy nghĩ coi đó là cách làm báo có chất lượng, hiệu quả, được đo bằng số phát hành hay lượng truy cập. Bất cứ vụ việc, sự kiện nào đang thu hút dư luận, báo chí cũng có thể lục tung tất thảy những gì gắn với nhân vật chính của sự việc, sự kiện đó. Chỉ cần họ là vợ, chồng, con, hoặc anh chị em… của nhân vật cũng dễ dàng bị cho lên báo để làm mồi câu khách, bất luận những người thân đó không liên quan, dính dáng tới hành vi của nhân vật…”.

img
BTV Đan Lê phát biểu tại hội thảo tổ chức ngày 1.11.

Theo nhà báo Đà Trang, nhà báo cần tôn trọng danh dự và cuộc sống riêng tư của tất cả mọi người: “Chúng ta không xâm phạm quyền riêng tư trừ phi chúng ta đưa ra được lý do là phục vụ lợi ích rõ ràng của công chúng hoặc khi chúng ta đã có được sự cho phép của nhân vật liên quan… Nhà báo phải biết đặt mình vào vị trí của nhân vật khi bị công bố bí mật đời tư thì sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?”.

Trong khi đó, biên tập viên Đan Lê – Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC – người từng trở thành nạn nhân của việc bị đưa thông tin về đời tư trong một vụ việc không hề liên quan tới chị, cho hay: “Kể từ bài viết đầu tiên được đăng lên cho đến khi vụ kiện chính thức kết thúc, tôi mất trọn 3 tháng không làm được bất cứ việc gì, tinh thần suy sụp, dư luận dè bỉu.

Đến nay, sau 4 năm, tôi vẫn thỉnh thoảng bị ám ảnh bởi suy nghĩ không biết người ta có hiểu đúng về mình không? Không biết người ta có biết câu chuyện cho đến khi sáng tỏ không hay người ta chỉ lờ mờ biết tôi có liên quan đến một clip sex nào đó?”.

BTV Đan Lê cũng chia sẻ một số cách giải quyết khi bị báo chí xâm hại đời tư, trong đó có biện pháp kiện ra tòa (bằng cách này, chị đã thắng kiện tờ báo đưa thông tin xâm hại đời tư của mình).

Tại hội thảo có nhiều ý kiến, tham luận phê phán việc đưa thông tin đời tư của người khác lên báo chí hay trang mạng xã hội phổ biến hiện nay, cảnh báo các tòa soạn báo cần tôn trọng bí mật đời tư công dân. Nhiều ý kiến cho rằng, khi công dân bị xâm hại đời tư, biện pháp giải quyết cuối cùng là đưa nhau ra tòa.