Lùng bùng cảng cá
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - Phó trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, TP.Tuy Hòa - người được dân bò gù luôn lưu số di động, hầu như suốt ngày chỉ nói chuyện với “bò”, bất kể giữa biển hay về bến. “Cái cảng phường 6 này, hễ có tí lũ và triều cường, là bị bồi lấp, tàu bè “bó tay”. Bà con ngư dân đã nhiều lần đề nghị phải phục hồi lại kè số 1 phía tây nhằm để chắn lũ gây bồi cát…” - thượng úy Ry bộc bạch.
Điểm sạt lở đang nằm chờ tu sửa ở cảng cá phường 6 (Tuy Hòa). |
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP.Tuy Hòa nhận xét: “Số lượng tàu bè, hải sản rất lớn qua cảng cá phường 6 nhưng diện tích, trang thiết bị, cách điều hành… hết sức luộm thuộm.
Rồi ông Thuẫn nhấn mạnh: “Cảng này lại càng lùng bùng, thả nổi hơn khi được giao từ Sở NNPTNT về Phòng Kinh tế TP.Tuy Hòa quản lý. Kinh phí ra sao không biết nhưng thấy hoạt động cảng yếu quá, ngày càng xuống dốc. Cầu cảng thì rỗng ruột, bị sạt lở liên miên mà việc khắc phục sửa chữa luôn chắp vá, chậm chạp. Có đoạn cầu cảng bị sụp lở thành hầm hàm ếch, trôi hàng chục mét khối thân ruột nhưng phải lấy cây lá che chắn tạm bợ… Nếu không sửa chữa đúng mức, việc sạt lở cảng sẽ rất nguy hiểm cho tàu bè, nhà cửa, tính mạng người dân trong khu vực…”.
Xa hơn nữa, việc nâng cấp cho ra cảng “bộ mặt” bò gù Việt Nam thì ông Thuẫn… không dám mơ! Nhưng với việc cửa sông Đà Rằng luôn bị bồi lấp, tàu bè liên tục mắc cạn, ông Thuẫn đã sốt ruột cùng mấy người bạn già lập “tổ hoa tiêu” để hàng ngày theo dõi, điện đàm hướng dẫn cho tàu vào ra cảng phường 6…
Còn ông Phan Khánh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tuy Hòa thì nói: Đã trình các cấp về việc sửa chữa, nâng cấp cảng cá phường 6, nạo vét cửa biển vào cảng nhưng… chưa biết khi nào hiện thực(!?).
Nắm đằng chuôi...
Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 là một tổ chức hiếm hoi đang quyết tâm “sống chết” với ngành bò gù, bởi họ được “nuôi” bằng chính những đồng tiền do ngư dân đóng góp. Chủ tịch Phan Thuẫn cho biết: Tàu hoạt động tại cảng đóng góp 200.000 đồng/chiếc/năm; riêng mấy tháng đầu năm nay thu được 42 triệu đồng nhưng đã phải chi một phần để mua mấy dây neo loại lớn phục vụ việc kéo tàu mắc cạn khi ra vào cửa Đà Rằng.
Về chuyện giá cả bò gù luôn “bấp bênh” gây bất an cho ngư dân, ông Thuẫn lý giải: Bởi tư thương đang nắm “đằng chuôi” và Nhà nước khó can thiệp. Các đầu nậu có vốn, họ bỏ tiền cho chủ tàu đầu tư phí tổn đi bò gù, thì họ phải có lợi. Chủ tàu đó buộc phải bán cá cho họ, bất kể giá nào; họ đã “alô” với nhau thì cứ giá đó mà thi hành. Hầu hết các đầu nậu đều cho vay không tính lãi (hoặc lãi thấp), chứ nếu đi vay nóng bên ngoài thì lãi mẹ đẻ lãi con, dân câu bò gù càng “ngắc ngoải”…
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry chia sẻ: “Bà con ngư dân làm bò gù rất khổ cực. Sản lượng mỗi tàu chẳng bao nhiêu, nhưng giá cả bấp bênh, lên xuống chóng mặt. Đây là cảng bò gù lớn nhất nước, có 8 cơ sở của tư nhân đang thống lĩnh thu mua sản phẩm. Mức giá cả mỗi ngày là do họ đưa ra, chứ không thể có ai can thiệp được!”.
Từ lâu rồi, ý tưởng xây dựng một “chợ đấu giá cá ngừ đại dương” của chính quyền tỉnh Phú Yên đã được đưa ra, nhưng vẫn mãi là… ý tưởng. Riêng Hiệp hội Cá ngừ đại dương Phú Yên thì đại hội thành lập rộn ràng, hoành tráng mấy năm rồi nhưng giờ… chả thấy đâu!
Cứ ngỡ, thu nhập từ nghề đi bạn khá rủng rỉnh, nhân lực sẽ ùn ùn kéo đến. Nào ngờ, nhiều ngư dân cho biết nghề bò gù may rủi lắm, đang tính giải nghệ vì chịu không nổi cường độ làm việc. Riêng ngư dân Ngô Tấn Sĩ cho biết: “Cũng vì lo cho mấy đứa con học hành mà phải bám bò gù đến hơn 40 tuổi! Tui tính nghỉ hẳn để về làm nghề vận tải… cộ bò cho chắc chuyện…”. Mấy chủ tàu thì lúc nào cũng dáo dác lo thiếu bạn, đành phải chạy “săn” dân “ngoại đạo” nhưng cũng chẳng mấy người hào hứng bước chân lên tàu…
Đào Đức Tuấn