Dân Việt

Gia tăng bệnh tật do biến đổi khí hậu

02/11/2012 09:19 GMT+7
(Dân Việt) - Theo số liệu mới nhất mà Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố, mỗi năm khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 77.000 ca tử vong do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, trong đó có Việt Nam.

Thay đổi khí hậu làm gia tăng bệnh tật

Tại Việt Nam, một số dịch bệnh do ô nhiễm môi trường đang tái xuất hiện nay là sốt xuất huyết, lao, tay chân miệng, các bệnh về phổi, tim mạch… Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất trên nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn đang bùng phát tại Việt Nam như lao, sốt xuất huyết, sốt rét…; bên cạnh đó cũng đã xuất hiện nhiều bệnh "lạ" chưa thể tìm được nguyên nhân như hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân của người dân ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS; thậm chí cũng đã xuất hiện 2 ca tử vong do Amip “ăn não” - một loại bệnh nguy hiểm, hiếm gặp trên thế giới và chưa từng có ở Việt Nam.

img
Sử dụng nước bẩn khiến nhiều người mắc các loại bệnh tật.

Theo nghiên cứu "Biến đổi khí hậu và bệnh tật: Từ cách nhìn địa cầu đến bối cảnh Việt Nam" của GS Phạm Huy Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe - Môi trường và Phát triển cho thấy, thay đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, lao, mà còn khiến các bệnh không nhiễm trùng gia tăng như hen, bệnh tâm thần, tim mạch…

Cụ thể, nếu từ năm 1985 mới có khoảng 1% dân số nông thôn và 2% dân số thành thị bị hen phế quản, thì đến năm 2004, khoảng 2-6% dân số mắc hen. Các rối loạn tâm thần và hành vi tăng hơn 5 lần chỉ trong vòng 4 năm (năm 2001 có gần 30.000 ca, nhưng năm 2004 đã tăng trên 150.000 ca)…

Nguy cơ kép

Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nguyên nhân xuất hiện nhiều bệnh mới nổi là do BĐKH, môi trường, quá trình đô thị hóa, do chính hành vi, lối sống của con người... Thậm chí, đang có xu hướng "trẻ hóa" nhiều loại bệnh như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, lao, tâm thần…

TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, Các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đều do ô nhiễm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc nguồn nước bị ô nhiễm, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển, muỗi gia tăng khiến cho bệnh sốt xuất huyết, sốt rét cũng tăng cao. Việc ô nhiễm nguồn nước khiến cho dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát. Ô nhiễm khí hậu, khói bụi khiến cho các bệnh về phổi như lao, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen… không ngừng gia tăng.

Được biết, hiện có đến 80% dân số ở nông thôn vẫn đang sử dụng nước mưa, nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để ăn uống, sinh hoạt. Mưa lũ liên miên còn khiến các nguồn nước chưa sạch này cũng trở nên khan hiếm. Bà con thường phải sống cùng nước bẩn, ăn nước bẩn, nên càng dễ mắc bệnh.

Theo GS Lê Đăng Hà - nguyên Viện trưởng Viện Nhiệt đới T.Ư, BĐKH và lối sống không lành mạnh của con người chính là nguy cơ kép làm gia tăng dịch bệnh. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thất thường, vệ sinh ăn uống không tốt, khí hậu bị ô nhiễm, điều kiện sống còn thấp, lười luyện tập sức khỏe, ít đầu tư vào y tế dự phòng, chính là những nguy cơ khiến người Việt Nam ngày càng dễ nhiễm các bệnh nhiệt đới hơn.