Bỏ thì tiếc, theo thì lo
Tại lớp học tiếng Hàn ở Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi), anh Nguyễn Văn Công (22 tuổi, thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) tâm sự: “Do kinh tế gia đình khó khăn nên khi nghe đi XKLĐ tại Hàn Quốc thu nhập khá, tôi đã ra Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh đăng ký học tiếng Hàn để có cơ hội xuất cảnh”.
Lớp học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi. |
Mới học được 2 tháng thì anh nghe thông tin Hàn Quốc không nhận lao động Việt đến hết năm. “Thiệt tình tôi quá lo lắng. Tính đến giờ tiền học phí, ăn ở... tốn hơn 5 triệu đồng, bây giờ mà bỏ thì mất tiền và mấy tháng trời theo học, còn tiếp tục thì không biết có được đi hay không...”- anh than thở
Tuy nhiên, buồn và lo lắng hơn cả là 514 lao động đã hoàn tất các thủ tục và đang chờ bay. Nhiều lao động ở huyện Trà Bồng bày tỏ: Sau hơn nửa năm cặm cụi học tiếng Hàn, ôn tập vất vả mới vượt qua kỳ thi, rồi kiểm tra sức khỏe, làm thủ tục xuất cảnh... chưa kịp mừng thì nhận được thông tin trên.
“Chúng tôi đã bỏ hết công việc để có thời gian theo học tiếng Hàn, thi đạt chứng chỉ. Giờ không được đi nữa không biết tính kiểu gì đây”- một lao động cho biết. Được biết, để hoàn tất các thủ tục đi XKLĐ sang Hàn Quốc, nhiều lao động phải vay mượn 20-30 triệu đồng/người để trang trải các khoản chi phí. Vì vậy không có gì khó hiểu khi hàng trăm lao động ở Quảng Ngãi lòng nặng trĩu lo âu khi nhận được thông tin trên.
Chỉ biết chờ đợi
Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi - đơn vị chủ lực đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở tỉnh này thì hiện có 192 lao động của trung tâm đã hoàn tất khóa học tiếng, 60 lao động vẫn còn đang học, 261 lao động đã hoàn tất thủ tục chờ bay.
“Dù báo chí đã đưa tin Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ rất lâu (đầu tháng 10.2012) nhưng tới thời điểm này, trung tâm vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo chính thức nào từ các bộ ngành liên quan”- ông Võ Duy Yên -Giám đốc Trung tâm giãi bày.
Cũng theo ông Yên, trong số các lao động chuẩn bị đi XKLĐ ở Hàn Quốc có nhiều lao động ở huyện nghèo, được hỗ trợ phần lớn chi phí ăn ở, đi lại theo diện Quyết định 71. “Nhà nước đã bỏ kinh phí ra đào tạo họ và phải rất nỗ lực họ mới đạt được trình độ tiếng Hàn đủ để xuất cảnh. Vậy mà giờ không đi được thì toàn bộ tâm huyết của họ và nguồn lực nhà nước bị bỏ phí”- ông Yên nói.
Lãnh đạo Trung tâm cho biết, hiện họ chỉ biết động viên các lao động cố gắng chờ đợi mà thôi. Với hầu hết các lao động ở Quảng Ngãi, họ hy vọng cơ quan lao động phía Việt Nam tiếp tục đàm phán với Hàn Quốc để tháo gỡ vấn đề này.
Công Xuân