Báo cáo nghiên cứu khả thi Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Nam Định do Công ty Tư vấn Thiết kế xây dựng (Bộ Xây dựng) lập tháng 4.2004 chỉ có công trình nhà chính (trụ sở làm việc, các phòng nghiệp vụ và các phòng sản xuất chương trình) và công trình nhà đặt máy phát hình.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 1766/2004/QĐ-UBND ngày 9.8.2004 của UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình Nam Định (trong đó có công trình tháp ăng-ten cao 180 m), tổng mức đầu tư là 35,716 tỉ đồng.
Sau khi di chuyển địa điểm từ Lộc Hạ về Lộc Vượng (vị trí công trình hiện nay), dự án này đã được điều chỉnh 3 lần. Với lần điều chỉnh cuối cùng, dự án đã có tổng mức đầu tư là 77,927 tỉ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ xem xét về thủ tục đầu tư xây dựng, chủ yếu là dựa vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án bao gồm đầy đủ các công trình thành phần của dự án, dự án đầu tư xây dựng của những lần điều chỉnh chứ không phải dựa vào các tờ trình của chủ đầu tư là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu khả thi được lập vào năm 2004 nên nội dung phải được lập theo quy định tại Nghị định 52/1999/NĐ-CP về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, phải thực hiện bước thiết kế sơ bộ trên cơ sở phương án công nghệ tạm thời lựa chọn, quy mô và kiến trúc công trình. Điều đó có nghĩa là trong báo cáo nghiên cứu khả thi đã phải có thiết kế sơ bộ cột phát sóng/tháp ăng-ten.
Với tổng mức đầu tư 35,716 tỉ đồng, dự án này thuộc nhóm B. Bởi vậy, theo quy định tại Nghị định 52/1999/NĐ-CP thì chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - thi công và tổng dự toán sau khi đã được Sở Xây dựng thẩm định. Trên cơ sở thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán được phê duyệt, chủ đầu tư mới có cơ sở để lập hồ sơ mời thầu.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không xem tháp ăng-ten là công trình xây dựng mà là thiết bị nên đã lập kế hoạch đấu thầu và tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa. Sở Kế hoạch - Đầu tư khi thẩm định kế hoạch đấu thầu cũng như thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu đã đồng tình với ý kiến của chủ đầu tư.
Trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đã chỉ rõ nguồn gốc hàng hóa sản xuất tại Malaysia, điều này vi phạm Luật Đấu thầu. Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) không phải nhà thầu sản xuất ra tháp ăng-ten mà chỉ đi đặt hàng, nhập khẩu nhưng lại trúng thầu (?). Hơn nữa, lẽ ra khi VTC bàn giao tháp ăng-ten cho chủ đầu tư (tháng 8.2007) thì chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế cột theo quy định hiện hành. Sở Xây dựng đã làm thay chủ đầu tư nhưng chỉ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công móng và nhà đặt máy phát thanh - phát hình (tháng 6-2008) chứ không thẩm định thiết kế cột.
Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định cho biết biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (ngày 20.6.2010) kết luận: Các bên trực tiếp nghiệm thu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định nghiệm thu này. Theo đó, thành phần nghiệm thu đã ký tên gồm chủ đầu tư, tổ giám sát của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế: Công ty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển công nghệ AIC, tư vấn giám sát; Công ty TNHH MTV Kiểm định an toàn và tư vấn xây dựng, nhà thầu xây dựng: Công ty TNHH Nhà nước MTV công trình Viettel.
Như vậy, có thể thấy rất nhiều tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc tháp ăng-ten bị sụp đổ trong bão số 8 vừa qua.