Dân Việt

“Người cha Tây” và đàn con linh trưởng khát khao được về rừng

05/11/2012 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Bỏ lại gia đình đề huề ở Đức, Tilo Nadler quyết định sang Việt Nam sinh sống và nguyện cắm chốt bảo vệ loài linh trưởng đã và đang bị “sát thủ thú rừng” tìm mọi cách sát hại.

Dẫu rằng, với nhiều người linh trưởng là “chiến lợi phẩm” đáng giá, đắt tiền. Song với Tilo, 20 năm gần gũi với linh trưởng, không phải để mang chúng về đất nước mình, càng không vì bán buôn, trông chờ vào lương bổng hay tham ô tham nhũng gì ở thiên nhiên. Ngược lại, ông xem chúng như thể những “đứa con” của mình.

img
Ông Tilo và “đứa con” linh trưởng bé bỏng vừa chào đời

Tilo Nadler, được gọi bằng cái tên trìu mến “người cha Tây” cũng là người đầu tiên làm hồi sinh những đàn linh trưởng tại Việt Nam mà thế giới từng cho rằng chúng sẽ tuyệt chủng. Rồi chính ông đã lăn lộn đi khắp thế giới xin kinh phí, để lập nên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương (gồm voọc, khỉ và cu li).

Nhân duyên nhân tình

Tilo Nadler năm nay đã bước sang tuổi 71, song trông ông vẫn còn rất nhanh nhẹn, vạm vỡ, phong trần với vẻ gì đó rất “bụi bặm”, “giang hồ”. Trước khi gắn bó với núi rừng Cúc Phương, Tilo đã từng đến nhiều nước ở châu Phi và Trung Quốc để nghiên cứu loài linh trưởng. Năm 1991, theo sự phân công của Trung tâm Zoologische Gesellschaft Franrfurt (Đức), Tilo đến Việt Nam tiến hành dự án nghiên cứu bảo tồn voọc mông trắng lớn nhất tại Việt Nam.

Trong những ngày lặn lội ở núi rừng Cúc Phương, Tilo đã gặp Nguyễn Thị Thu Hiền, cô sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy là hướng dẫn viên du lịch cho một số công ty lữ hành. Vốn có cá tính lại thích ngao du, Hiền đã cùng Tilo vào rừng, lên núi hàng tuần để tìm hiểu tập quán của loài linh trưởng tại Việt Nam. Rồi như nhân duyên tiền định, hai người đã nảy sinh tình cảm đúng nghĩa câu nói “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

img
Ông Tilo cùng vợ Thu Hiền và 2 con trai

Không chỉ vậy, tình yêu của cô hướng dẫn viên du lịch với ông Tây Tilo cũng rất đẹp, hiện đại, hay như lời Thu Hiền từng chia sẻ: “Với chúng tôi, tình yêu không có tuổi”. Song, để đến được bên nhau, họ cũng phải trải qua những thử thách không hề dễ dàng. Bởi, ngay từ khi biết con gái yêu một người đàn ông người Đức gần bằng tuổi cha, hơn cả tuổi mẹ, gia đình Hiền cũng như họ hàng đã cực lực phản đối.

Còn với Tilo, kể từ khi dự án nghiên cứu bảo tồn linh trưởng của ông được xây dựng thành công vào năm 1996, cùng với “tiếng lòng” của voọc, sự hấp dẫn của núi rừng Cúc Phương và đặc biệt là tình yêu với cô gái người Việt, Tilo càng không thể rời núi rừng Cúc Phương, bỏ mặc những con thú quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tilo càng không thể lìa xa chốn rừng này, khi ở đây có một người con gái đang nặng tình với ông.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, tình yêu của Tilo với Thu Hiền rồi cũng đến lúc “gạo đã nấu thành cơm”. Rốt cuộc, rồi cha mẹ Hiền cũng đã phải mềm lòng, chấp nhận để hai người đi tới hôn nhân, sống hạnh phúc hơn 10 năm qua. Đến nay đã cho ra hoa, kết trái với 2 mụn con kháu khỉnh với khuôn mặt Tây, tiếng nói Việt.

Dẫu rằng khác biệt chủng tộc, chênh lệch tuổi tác khi Tilo hơn hẳn Thu Hiền 31 tuổi, còn con gái riêng của ông Tây này cũng nhiều hơn 5 tuổi. Song họ vẫn gắn bó thắm thiết, sống trọn nghĩa vẹn tình cho đến ngày nay. Điều đáng trân trọng là khi Tilo quyết định rời Hà Nội vào bám Rừng quốc gia Cúc Phương để có điều kiện cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn đàn voọc tốt hơn, Thu Hiền cũng nguyện theo chồng.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu mới đặt chân đến Rừng quốc gia Cúc Phương, Thu Hiền chia sẻ: “Chúng tôi phải dựng lều, ăn củ chuối, uống nước suối, ngủ ngay trong rừng để rình chụp ảnh voọc mông trắng. Bà con quanh vùng ai cũng trố mắt kinh ngạc, không hiểu chúng tôi làm gì. Không những vậy, do thường xuyên phải lăn lộn khảo sát, tìm hiểu tập tính của linh trưởng trong các khu rừng, vách núi cùng anh Tilo, bẩn thân tôi cũng đã mất đứa con trong bụng do quá đuối sức”.

Sau những cố gắng không biết mệt mỏi cùng với thời gian, rồi những công sức mà Tilo và Thu Hiền bỏ ra cũng được đền đáp. Tilo đã ghi lại được hình ảnh voọc mông trắng, nhưng buồn thay kèm theo đó là cảnh người ta nhốt voọc vào lồng tre, đem ra chợ cho người ta chọc tiết, ngã giá trên từng khúc thịt còn đỏ tươi.

Tuy nhiên, sau phát hiện kịp thời của ông Tilo, các nhà khoa học quốc tế đã vào cuộc nghiên cứu. Hội Động vật Frăng-phuốc ngay sau đó đã nhanh chóng đầu tư kinh phí và chuyên gia giúp Tilo đứng ra thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, quý hiếm tại Vườn quốc gia Cúc Phương (năm 1993). Dẫu rằng ở thời điểm bấy giờ, nhiều người cho rằng việc làm của Tilo là điên khùng và không ít người nghi ngờ thiện chí bảo tồn loài voọc của ông cùng với các cộng sự. Bởi họ sợ gã Tây râu hùm, mắt xanh, mũi nhọn sẽ ủ mưu bắt hết voọc, khỉ của Việt Nam để đưa tuốt về rừng Tây.

Thế nhưng, với tình yêu lớn lao dành cho voọc, ngay từ những ngày đầu mới hoạt động, Tilo đã nhanh chóng khuấy động rừng Việt như sự hiện diện của “cha rừng” sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với “sát thủ thú rừng” để bảo vệ muôn loài.

Nước mắt muôn loài và giấc mơ đưa “đàn con” về rừng

img
Tilo giới thiệu về các loài linh trưởng

Qua 2 thập kỷ, gắn bó với núi rừng Việt Nam, Tilo đã chứng kiến rất nhiều những cảnh tượng đau lòng do “sát thủ thú rừng” gây ra. Đó không chỉ là tiếng gào thét, những giọt nước mắt ngắn dài mà còn cả những giọt máu tanh tảnh mà các loài linh trưởng đã và đang phải gánh chịu.

Đúng như lời Tilo nói, mọi loài trên thế giới đều có quyền tồn tại như nhau, dẫu nó to như con voi hay bé như con kiến. Chính vì yêu thiên nhiên nên Tilo đã rất đau đớn, như cắt đứt từng khúc ruột, khi một con voọc bị mổ bụng, giết thịt, ‘ép’ hút thuốc lá rồi đưa lên mạng khoe chiến tích bởi hai quân nhân. Trông thấy những cảnh tượng ấy, Tilo không thể nào ngồi yên, bỏ mặc “những đứa con” của mình bị người ta sát hại. Bởi, Việt Nam hiện có 25 loài linh trưởng, nhưng có đến 15 loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là 4 loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Bà Hiền tâm sự: “Thời gian đầu mới đến Việt Nam, hễ ở đâu có tin báo vượn, voọc, khỉ, cu ly bị xâm hại là anh Tilo lại lên đường. Có lần anh còn tự lái ô tô suốt từ sáng đến tối, vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng bắt một con chà vá bị thương. Dọc đường, bị kiểm lâm kiểm tra, anh bế chú vọc trọng lượng 2kg, tanh tưởi máu mủ đau thương vì trúng bẫy trên tay, trong khi bản thân mình đứng rãi nắng chày chày nhưng anh vẫn không quên bẻ cành lá tươi xoè thành cái lọng xanh che cho con vật tội nghiệp.”

Sau hàng trăm, hàng ngàn lần xuyên Việt, bảo tồn động vật hoang dã với những hành động thơm thảo như vậy, Tilo rồi đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng xứng đáng khác. Trong suốt thời gian làm công tác bảo tồn, Tilo được xem là một “thủ lĩnh” có cốt cách sống nhân ái với muôn loài. Tilo và cộng sự, đặc biệt là người vợ thân yêu Thu Hiền đã biến Trung tâm cứu hộ của mình thành tổ ấm tin cậy cho 15 loài linh trưởng quý hiếm nguy cấp nhất Đông Dương trú ngụ.

Tuy vậy, đến nay Tilo vẫn không thể nào ngồi yên khi trong đầu ông lúc nào cũng hiện ra những cảnh tượng “đàn con” của mình bị kẻ đi săn bắn hạ; những nhà hàng mổ thịt, đem trưng bày; hay những đại gia, quan chức thu mua về “hành hạ”.

Theo bà Hiền, phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là nạn nhân của những vụ săn bắn và mua bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt nhiều linh trưởng khi được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang trên mình nhiều thương tích. Do vậy việc phục hồi các vết thương và giúp linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên là việc làm hết sức khó khăn.

Thu Hiền chia sẻ: “Mặc dù mục tiêu của chương trình chăm sóc là tái hòa nhập thú linh trưởng vào tự nhiên, nhưng với hiện trạng đáng báo động như hiện nay chúng tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng và bất an khi thả những nguồn gen vô cùng quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng này lại tự nhiên”.

Còn với Tilo, suốt 2 thập kỷ gắn bó rừng xanh, sống với “đàn con sách đỏ”, đến nay ông vẫn đang ôm trong mình nỗi trăn trở đưa loài linh trưởng trở về rừng xanh. “Tôi rất muốn đưa ‘đàn con’ của tôi trở về với thiên nhiên, nhưng liệu nó có thể tồn tại được ở rừng bao lâu? Trong khi kẽ hở pháp luật còn rất lớn, tình trạng săn bắn thú rừng ngày càng tinh vi. Thậm chí, một số cán bộ kiểm lâm còn “vô cảm” hay không làm tốt chức trách, cũng đã khiến các loài sách đỏ phải đối mặt trước nguy cơ tuyệt chủng?”. Tilo lo ngại.

Theo Dòng Đời