“Lan và Điệp” nghe hoài không chán
Số là khu tập thể nhà tôi có một anh bộ đội xuất ngũ sau khi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Trở ra Bắc, trong balô anh đem theo ngoài một con búp bê mắt nhắm mắt mở dành làm quà cho con gái thì anh còn mua một chiếc máy cát-xét (thời đó ngoài Bắc khá hiếm) cùng vài cuộn băng, trong đó có cuộn băng cải lương Lan và Điệp.
Thời đó dĩ nhiên những loại băng cát-xét kiểu như thế sẽ dễ bị cấm nghe, nhưng khu nhà tôi toàn cán bộ có lý lịch đỏ chót nên cứ mở thoải mái mà ít bị công an nhắc nhở. Cứ tối tối, các bà các cô lại tập trung quanh chiếc máy cát-xét, nghe đi nghe lại vở Lan và Điệp không biết bao nhiêu lần, để rồi chửi chàng Điệp hèn yếu, để rồi khóc cùng số phận bi thảm của cô Lan.
Và lũ trẻ chúng tôi ngày đó dù chưa biết nhiều nhưng cũng thuộc từng câu hát, quen cả chất giọng lanh lảnh của Lan (do Thanh Kim Huệ thủ vai) và chất giọng buồn đến ủ ê của Điệp (do Chí Tâm thủ vai). Sau này vào Sài Gòn, do làm nghề nên tôi có gặp Thanh Kim Huệ vài lần. Còn Chí Tâm, mãi gần đây tôi mới gặp bởi anh đã định cư ở nước ngoài từ lâu.
Bìa đĩa cải lương "Chuyện tình Lan và Điệp" ngày xưa |
Thành công, có vợ cũng nhờ… bị vỡ giọng ca
Chí Tâm quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long, một trong những vùng đất nổi tiếng về cải lương và ngay từ nhỏ, nhờ có cha đam mê đàn hát nên Chí Tâm cũng được sống trong môi trường đờn ca tài tử và tỏ ra có năng khiếu khi chỉ học sơ sơ mà ca được nhiều bản nhiều câu. Vì thế mỗi khi các bác các chú ngồi đàn hát thì thế nào Tâm cũng được kêu ca câu vài câu cho mọi người thưởng thức.
Năm 11 tuổi, Chí Tâm đã là một “ngôi sao” vọng cổ của những nhóm đời ca tài tử ở Trà Ôn và thậm chí còn được đi hát trên bến Ninh Kiều (Cần Thơ) vào mỗi tối cuối tuần. Thấy con có năng khiếu và đam mê cải lương, năm 13 tuổi cha Chí Tâm đã gửi lên theo học ca tại nhà nhạc sĩ Út Châu (Sài Gòn). 2 năm luyện ca, Chí Tâm đã được thầy giới thiệu tham gia đoàn cải lương Tinh Hoa và giới thiệu cho nhạc sĩ Yên Sơn viết riêng cho Chí Tâm nhiều bản tân cổ giao duyên.
Nhiều bản ca như Em bé báo báo, Em bé đánh giày, Con quạ con chồn… do Chí Tâm ca đã được hãng đĩa Continental thu âm và phát hành khá thành công. Chí Tâm cũng đã được khán giả mộ điệu cải lương yêu thích qua nhiều vai diễn như vai Kim Đồng trong Công chúa Thủy Tề, vai Mã Chí Tâm trong Người ăn cắp bánh mì, vai Na Tra trong Na Tra lóc thịt…
Nhưng khi bắt đầu thành danh với vai trò một nghệ sĩ cải lương thì đột ngột Chí Tâm bị vỡ giọng. Giọng ca lãnh lót, cao vút của cậu bé đã trở lên khàn đặc, nghẹn hơi vì đã bước vào tuổi trưởng thành khiến Chí Tâm không thể đảm nhận những vai cậu bé linh lợi, hoạt bát như trước. Thất vọng, Chí Tâm đã bỏ về quê và đi học buôn bán để nối nghiệp gia đình.
Hơn một năm ở quê, bắt đầu quen dần nghề nghiệp mới nhưng Chí Tâm vẫn nhớ da diết ánh đèn sân khấu và lại mon men đi hát theo những gánh hát nhỏ ở quê. Rốt cuộc không chịu nổi, Chí Tâm lại trở lên Sài Gòn để tìm lại nghiệp cầm ca.
Nhờ quyết tâm của chàng trai, soạn giả Loan Thảo đã giao cho Chí Tâm 2 bản tân cổ giao duyên tựa đề Lan và Điệp và Chí Tâm thể hiện khá thành công. Chính vì thế, sau khi viết xong vở cải lương Lan và Điệp, soạn giả Loan Thảo đã nhớ ngay đến Chí Tâm và giao vai Vũ Khắc Điệp. Năm đó Chí Tâm vừa tròn 20 tuổi.
Cần nhắc lại Lan và Điệp, một chuyện tình đầy bi lụy mà nhiều người đã ví như là Romeo - Juliet của Việt Nam, được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết trong tiểu thuyết từ năm 1933 mang tên Tắt lửa lòng. Năm 1938 soạn giả nổi tiếng Trần Hữu Trang đã phát hiện ra chất trữ tình, bi lụy của chuyện tình này và chuyển thể thành vở cải lương Lan và Điệp.
Suốt một thời gian dài, vở diễn đã trở thành một trong những vở diễn ăn khách hàng đầu của cải lương miền Nam và còn ăn khách ngay trong lĩnh vực phát hành đĩa nhạc. Năm 1970, đoàn kịch nói Kim Cương cũng đã dàn dựng lại vở diễn này theo phong cách kịch nói và tiếp tục sáng đèn suốt mấy năm liền.
Nhưng phải tới khi soạn giả Loan Thảo và Thế Châu viết lại vở cải lương mới cũng dựa trên mối tình Lan Và Điệp thì mới thực sự tao ra cơn sốt mạnh mẽ. Chí Tâm nhớ lại: “Vở Lan và Điệp, chúng tôi không diễn trên sân khấu, chỉ có thu âm và phát hành đĩa nhựa. Tôi không phải là người quản lý nên không biết hãng đĩa đã bán bao nhiều đĩa. Chỉ biết rằng đi tới đâu tôi cũng nghe mở. Lần đầu tiên ngoài cát-sê 12 ngàn đồng/một mặt đĩa thì tôi còn được chủ hãng thưởng luôn 20 ngàn đồng. Lúc đó cát-xê những nghệ sĩ hàng đầu như Minh Vương, Minh Phụng cũng chỉ 15 ngàn đồng/mặt đĩa”.
Xét về Chí Tâm, nhiều người hoàn toàn bất ngờ vì từ khi bị vỡ giọng, ít ai còn đánh giá cao giọng ca này. Khàn, yếu hơi, không có độ cao, vì thế mỗi khi cần ca dài, giọng Chí Tâm hơn bị đuối, nghèn nghẹn tưởng như muốn đứt giữa chừng. Thế nhưng sau khi nghe Lan và Điệp nhiều người mới thừa nhận cái tầm chọn người đầy kinh nghiệm của soạn giả Loan Thảo.
Chí Tâm thời trẻ... |
... và bây giờ |
Chất giọng yếu đuối, buồn rầu ủ ê ấy quá phù hợp với nhân vật Điệp, một chàng trai nhu nhược, yếu đuối, thiếu bản lĩnh. Nhưng vượt lên những hạn chế về giọng ca, Chí Tâm lại có năng khiếu xử lý khéo léo trong cách nhả hơi, ngâm nga trong từng câu hát tạo ra chất trữ tình, buồn bã nhưng vẫn rất ngọt, rất êm. Chí Tâm đã tạo ra phong cách mới trong cách xử lý từng câu vọng cổ để tạo lên một trường phái mới mà nhiều người gọi là “Phong cách Chí Tâm”.
Phong cách đó sau này cũng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn trong đó người được cho là ca giống Chí Tâm nhất là nghệ sĩ Trọng Hữu. Còn Chí Tâm, sau vai diễn trong vở Lan và Điệp đã được nhiều người gọi với cái tên mới là.. Điệp. Cũng nhờ vai diễn này, Chí Tâm đã được nhiều đoàn hát hàng đầu tại Sài Gòn mời về, thậm chí khi giọng ca cải lương hàng đầu tại Sài Gòn là Minh Vương bị bắt đi quân dịch, Chí Tâm còn được mời về để thế chỗ. Năm 1974, Chí Tâm tham gia vở Hán Đế biệt Chiêu Quân cùng với diễn viên xinh đẹp Hương Lan.
Ngày đó Hương Lan đã là một ca sĩ nhạc nhẹ có tiếng nhưng vẫn tham gia hát cải lương bởi cô xuất thân từ cải lương (thân phụ của Hương Lan là nghệ sĩ Hữu Phước, một trong những cây đại thụ của cải lương miền Nam). Trai tài gái sắc mến nhau và cả hai đã lên duyên vợ chồng.
Chinh phục khán giả miền Bắc rồi cả ở nước ngoài
Sau ngày đất nước thống nhất, Chí Tâm tham gia khá nhiều vở diễn và đạt khá nhiều thành công như vai Lê Kim Hùng trong Cây sầu riêng trổ bông, vai Alikha trong Ngày tàn của bạo chúa… Tháng 12.1976, đoàn Cải lương giải phóng lưu diễn tại Hà Nội. Lần đầu tiên ra thủ đô, Chí Tâm hoàn toàn ngỡ ngàng bởi khán giả nơi đây mê cải lương không kém gì miền Nam. Hơn 1 tháng lưu diễn, đêm nào sân khấu cũng chật kín khán giả.
Chí Tâm nhớ lại: “Hơn 30 năm rồi mà tôi vẫn nhớ những ngày ở Hà Nội. Nhiều khán giả tìm đến tôi chỉ để xem mặt chàng Điệp, có người còn yêu cầu tôi ca cho họ nghe một đoạn trong vở Lan và Điệp. Rất nhiều nghệ sĩ lớn ngoài Bắc như Ái Liên, Sỹ Tiến, Tiến Thọ… và cả nhiều người nổi tiếng như nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Hoàng Cầm… đã đến thăm và động viên chúng tôi. Với người nghệ sĩ, nhận được sự quan tâm như thế thì còn gì bằng”.
Tưởng chừng Chí Tâm sẽ sống mãi với nghiệp cải lương với những hạnh phúc như thế. Nào ngờ năm 1977 có một biến cố xảy đến với gia đình Chí Tâm, đó là khi gia đình Chí Tâm có giấy bảo lãnh sang Pháp. Ban đầu Chí Tâm rất phân vân bởi ở trong nước Chí Tâm đã có tất cả: tiền bạc, danh vọng, nghề nghiệp yêu thích... Nhưng Chí Tâm đã lựa chọn ra đi với ý định sẽ chỉ sang Pháp vài năm, học xong khóa học đạo diễn rồi về nước để tiếp tục theo nghề diễn.
Vậy mà người tính không bằng trời tính, sang miền đất lạ không nghề ngỗng, không có vốn và không biết cả ngôn ngữ bản địa, như nhiều người khác Chí Tâm đành lao vào cuộc mưu sinh với nhiều nghề tay chân như làm thợ mộc, làm công nhân suốt một thời gian dài. Cho tới khi cuộc sống đã tạm ổn định thì vợ chồng lại chia tay.
Chí Tâm nhớ lại: “Chúng tôi chia tay vì những mâu thuẫn trong cuộc sống. Mâu thuẫn có thể không lớn nhưng vì lúc đó chúng tôi còn quá trẻ, chưa biết dung hòa. Cũng may là sau khi chia tay, chúng tôi vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp và coi nhau như bạn, những đứa trẻ cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.
Sau khi chia tay, Hương Lan qua Mỹ, nơi có đời sống văn nghệ của người Việt phong phú hơn. Chí Tâm ở lại Pháp cũng lập đoàn hát mang tên Năm Châu, quy tụ những nghệ sĩ xa quê cùng tham gia biểu diễn cho đỡ nhớ nghề. Đoàn Năm Châu chủ yếu diễn vào ngày cuối tuần với một số vở cải lương cũ như Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Tâm sự loài chim biển… Đoàn cũng đi diễn được ở các nước có người Việt sinh sống nhiều như Thụy Sĩ, Tây Đức, Na Uy, Đan Mạnh, Bỉ…
Thêm duyên mới với “fan” thuở thiếu thời
Năm 1986, Hương Lan mời Chí Tâm qua Mỹ để thu âm lại các bài Tân cổ giao duyên, trong đó có cả các bài Lan và Điệp. Dù đã chia tay nhưng trong cải lương họ vẫn là cặp đôi rất đẹp khi những bài ca của họ như Bánh bông lan, Gái quê, tình đẹp mùa chôm chôm. Hay là Lan và Điệp 1, 2 vẫn rất ăn ý, vẫn được khán giả yêu thích.
Từ những thành công này, Chí Tâm cũng chuyển qua Mỹ sống bằng khá nhiều nghề như mở phòng thu, dạy ca cổ, làm chương trình ca nhạc, mở tiệm bán băng đĩa... Nghĩa là làm đủ thứ nghề để có thể tồn tại. Còn về tình riêng, năm 1999 khi về thăm nhà ở Vĩnh Long, Chí Tâm gặp lại một cô bé ngày xưa từng ái mộ “chàng Điệp”.
Nhờ gia đình mai mối, Chí Tâm đã gá nghĩa lần nữa. Chí Tâm rất tự hào về người vợ mới này: “Cô ấy không làm nghệ thuật nhưng giúp tôi nhiều lắm. Nhờ cô ấy, tôi mới có cuộc sống hôm nay. Có gia đình, có con cái cùng việc làm tạm ổn. Như vậy tôi có thể quay lại với nghề được rồi”.
Giấc mơ của “chàng Điệp” hiện nay là được hát ở quê nhà. “Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều hát nhưng chủ yếu cho bạn bè nghe. Tôi mơ ước được hát ở sân khấu lớn, cho nhiều người nghe. Và nếu được thì tôi sẽ hát lại vở Lan và Điệp. Tôi nghĩ nhiều khán giả sẽ mong xem lại vở diễn”.
Tôi hỏi liệu chàng Điệp của tuổi 60 có gì khác với chàng Điệp của tuổi hai mươi cách đây gần 40 năm hay không, thì Chí Tâm cười: ”Sẽ khác chứ! Nhưng tôi tin khán giả sẽ vẫn yêu thích bởi những đam mê nhiệt huyết với cải lương của tôi vẫn mạnh mẽ như ngày nào. Tôi sẽ diễn tốt”, Chí Tâm khẳng định.