Dân Việt

"Bi kịch" dạy... từ xa: Giật mình nghe con chửi tục

05/12/2012 06:52 GMT+7
(Dân Việt) - Vì điều kiện kinh tế, nhiều vợ chồng trẻ đang làm việc tại các thành phố lớn đành phải gửi con về quê cho ông bà nuôi hộ. Nhưng, không ít đã đau đầu hay hối hận trước sự thay đổi không mong đợi từ con mình...

Giật mình nghe con chửi tục

Không đủ điều kiện thuê osin trong khi công việc của cả hai vợ chồng đều bận rộn, bà nội thì không thể ở lại trông cháu thêm được nữa, chị Trang (xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) đành phải cho con về quê cùng bà nội. Oái oăm ở chỗ, về quê bà cũng không có nhiều thời gian bế ẵm, thằng bé 15 tháng tuổi thường được thả lê la chơi cùng bọn trẻ con hàng xóm ngoài sân, ngõ.

img
Trẻ được bố mẹ gửi về quê hay các cơ sở trông giữ của tư nhân thường phải tự chơi, tự bảo ban nhau (ảnh minh họa).

Một lần về quê thăm con, chị Trang tá hoả khi nghe bà nội kể chuyện thằng bé biết nói tiếng đầu tiên như một thành tích: “Hôm trước mẹ gọi Bill ơi, tự dưng nó nói: “chứt”, rồi giờ hỏi gì nó cũng bảo “chứt” – (nói ngọng của từ “…ứt”)”.

Tìm hiểu ra chị mới biết, trong đám trẻ hàng xóm thường chơi với con mình, có thằng bé có bệnh tâm thần, ai nói gì, gọi gì nó cũng chỉ biết mỗi từ đấy nên con chị vô tình đã học theo.

Chị Nguyễn Hương Giang (quê ở Ninh Giang, Hải Dương) có con nhỏ đã gần 3 tuổi nhưng vẫn phải để ở quê cho ông bà nội nuôi vì con hay ốm. Nhớ con nhưng công việc bận rộn nên cách vài tuần chị mới sắp xếp về thăm con.

Lần gần đây nhất về thăm con, 2 vợ chồng “ngã ngửa” khi nghe con vừa quát vừa đá con chó: “ĐCM mày, cho mày chết đi, ai bảo mày ngu đi cắp giày mẹ tao”. Con bé nói vậy mà mặt lạnh tanh, khiến vợ chồng chị Giang giận tím mặt. Quát con là hư, láo, không được nói vậy thì con bé lăn ra sân la khóc ầm ĩ.

Bà nội chiều cháu lại quay sang mắng hai vợ chồng. “Tôi có nói với bà là cháu đang ở tuổi không biết cái gì là tốt là xấu bà phải nói cho cháu nghe là việc đó không tốt, rồi tỏ thái độ để cháu hiểu lần sau không tái phạm. Nhưng bà nội lại tự ái buông một câu: “Tôi không biết dạy cháu, anh chị giỏi thì mang nó lên thành phố mà dạy”. Thế là vợ chồng tôi phải ngậm bồ hòn…” - chị Giang kể.

Con dao hai lưỡi

Nói về “bi kịch” dạy con từ xa của các cặp vợ chồng trẻ, TS Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam phân tích: Ông bà thường chăm sóc cháu với kinh nghiệm chăm sóc con cách đây hơn 20 chục năm, điều đó ít nhiều đã lạc hậu trong thời buổi hiện đại bây giờ.

Cũng theo TS Hoành: “6 năm đầu đời của một đứa trẻ có thể coi là độ tuổi vàng cho sự phát triển về thể lực và trí tuệ và cảm xúc. Trong đó, từ 0 – 3 tuổi là độ tuổi đứa trẻ cần được ở gần bố mẹ hơn bao giờ hết. Độ tuổi này hình thành sự gắn kết tình cảm cha mẹ, con cái. Nếu bị thiếu hụt, sẽ khó có thể bù đắp được, ngay cả đứa trẻ có được ông bà yêu thương đến đâu” – TS Hoành nói.

Không chỉ chuyện học ăn, học nói, do được ông bà quá nuông chiều, nhiều đứa trẻ được ông bà nuôi đã sinh hư, muốn gì phải đòi cho bằng được. Tình cảm cha mẹ, con cái vì xa cách cũng dần nhạt, nhiều mẹ đã khóc ròng vì muốn bế con mà con không cho.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thanh Hoa - giảng viên tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội thì cho rằng: “Nếu bắt buộc phải gửi con, bố mẹ cũng phải có những trao đổi thẳng thắn với ông bà về cách dạy con. Không chỉ là chế độ ăn uống sinh hoạt mà còn là thái độ cư xử, nhận thức đúng đắn của con hàng ngày”.

Cũng theo thạc sĩ Hoa, bố mẹ phải thường xuyên liên hệ với con bằng việc thường xuyên gọi điện, về thăm hay gửi quà… và nhờ ông bà gợi nhắc đến bố mẹ thường xuyên trong mỗi câu chuyện với con để con có thể thấy được sự hiện diện của mình trong cuộc sống của nó. Có như thế, những bậc cha mẹ mới không bị rơi vào bi kịch “mất con bất đắc dĩ”.