Dân Việt

Nguy cơ hàng hóa đua nhau tăng giá

25/02/2011 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh từ 10 giờ sáng qua đã gây "sốc" cho không ít người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế dự báo nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo giá xăng dầu.

Mức điều chỉnh tăng kỷ lục

Theo Quyết định số 98 của Bộ Tài chính, từ 10 giờ sáng qua, giá bán lẻ đối với xăng RON92 đã tăng 2.900 đồng/lít, lên 19.300 đồng/lít. Tương ứng, giá xăng RON95 tăng lên 19.800 đồng/lít. Giá diesel 0,05S tăng 3.550 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít, giá diesel 0,25S tăng lên 18.250 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít lên 18.200 đồng/lít. Mazut 3,5S tăng 2.110 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg.

Có thể nói đây là mức điều chỉnh tăng cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây, cao hơn cả mức giá điều chỉnh hồi tháng 7 - 2008 (lúc đó giá xăng đã lên mức 19.000 đồng/lít).

img
Giá xăng tăng khiến gánh nặng chi phí đè lên người tiêu dùng. Ảnh chụp sáng 24.2 tại một cây xăng ở TP.HCM.

Cùng với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngừng sử dụng Quỹ bình ổn. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này vẫn "có mức độ" để "tránh đảo lộn nền kinh tế, không đẩy CPI lên quá cao". Nhà nước cũng đã giảm hết thuế xăng dầu xuống 0% và cũng không thể bù lỗ thêm được nữa. Doanh nghiệp xăng dầu trước mắt vẫn chưa có lãi sau đợt điều chỉnh.

Bộ Tài chính cũng cho biết, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì phải điều chỉnh giá hiện hành tăng thêm đối với xăng tới 6.493 đồng/lít; diesel: 6.260 đồng/lít; dầu hoả: 6.692 đồng/lít; mazut: 4.334 đồng/kg chứ không phải như mức áp dụng từ 25.2.

Với mức điều chỉnh như hiện nay, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít, của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít...

CPI sẽ tăng thêm 0,65%

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với giá xăng dầu tăng như trên sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 lên 0,65% (chưa tính được tác động của vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý). Các ngành sản xuất cũng sẽ bị tăng giá thành, giảm lợi nhuận...

Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, địa phương tăng cường quản lý thị trường, có các biện pháp hành chính, kinh tế để không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm khác không hợp lý, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho biết, tác động dây chuyền từ việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu hiện nay sẽ là rất lớn và rõ rệt. Các ngành hàng sử dụng nhiều xăng dầu bị đội giá thành là đương nhiên song các ngành khác chịu sự tác động gián tiếp của giá xăng dầu cũng sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Đức Thành - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2008, khi giá xăng lên 19.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã công bố tác động lên CPI từ 0,5-0,7%, nay mức tăng cao hơn nên có thể tác động của giá xăng lên CPI sẽ còn cao hơn mức tính của Bộ Tài chính là 0,65%. Về ngắn hạn, giá xăng dầu tăng sẽ không tránh khỏi gây xáo trộn tâm lý, gây sức ép tăng giá cho nhiều mặt hàng và gây "sốc" thêm cho thị trường chứng khoán vốn đã và đang giảm mạnh.

Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo tăng CPI và lạm phát là hoàn toàn logic vì xăng dầu là đầu vào cho tuyệt đại bộ phận các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của các hộ gia đình. Đây cũng là một áp lực rất lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% như Quốc hội đã đề ra.

Hiệp hội Vận tải Hàng hóa cho biết, theo tính toán chi phí nhiên liệu xăng dầu chiếm đến 40% giá thành, do đó, lần này cước vận tải sẽ phải tăng diễn biến giá xăng dầu. Nhiều đơn vị vận tải cho biết sẽ tăng giá cước khoảng từ 15-20%.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng cho hay, việc tăng giá nhiều mặt hàng là khó tránh khỏi do mức tăng giá xăng dầu đợt này được điều chỉnh rất mạnh. Các siêu thị đều đã bị các nhà cung cấp thông báo sẽ tăng giá bởi giá xăng đã được dự báo tăng từ lâu.