Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện có 10.482 lao động Việt Nam làm việc tại Libya. Trong đó khoảng 2.000 lao động tại Benghazi và 5.000 lao động làm việc tại Tripoli, là những thành phố đang mất ổn định. Hiện nay, hầu hết các công trường có lao động Việt Nam đều đã ngừng làm việc, người lao động ở nhà để đảm bảo an toàn...
Hàng nghìn lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam đang ồ ạt sơ tán khỏi Libya. |
Tính đến sáng 25.2, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác làm thủ tục sơ tán được 4.572 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng Libya, như: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Hy Lạp, Tunisia, UAE... để từ đó đưa mọi người về Việt Nam. Đến chiều 25.2, có hơn 1.300 lao động Việt Nam được đưa sang nước thứ 3, 282 lao động đang trên đường bay về Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng đã có những việc làm tích cực giúp cho người lao động Việt Nam tại Libya đảm bảo an toàn. Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng phải chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt hơn để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng, tài sản cho người lao động Việt Nam tại đây và tìm mọi cách đưa người lao động về nước an toàn, có trật tự.
Thủ tướng lưu ý, Bộ Ngoại giao, LĐTBXH, các cơ quan chức năng tăng cường thêm cán bộ sang Libya làm việc với chính quyền nước sở tại, các đối tác, doanh nghiệp để cung cấp lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn, khẩn trương làm các thủ tục về nước cho lao động Việt Nam. Riêng Bộ Ngoại giao, cử một Thứ trưởng sang trực tiếp chỉ đạo các công việc có liên quan đến công dân Việt Nam.
Thủ tướng đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban. Bộ Tài chính bố trí kinh phí thích hợp cho các hoạt động giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi và cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, để tạm thời hỗ trợ mỗi lao động về nước 1 triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ LĐTBXH sẽ căn cứ vào mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
* Tối 25.2, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, dự kiến ban đầu, chuyến bay đầu tiên đưa gần 200 lao động Việt Nam về nước sẽ hạ cánh xuống Sân bay Nội Bài vào 4 giờ sáng 25.2. Tuy nhiên, do có nhiều nước đưa máy bay đến đón lao động, việc điều hành bay khó khăn nên chuyến bay phải thay đổi lịch trình. Máy bay chở lao động Việt Nam sau đó đã quá cảnh ở UAE và đang chờ ghép thêm đủ người rồi mới bay tiếp về Việt Nam và dự kiến sáng 26.2 sẽ đến Nội Bài. Trong khi đó, theo thông tin của ông Đoàn Đại Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Sona cho biết, một chuyến bay đưa 25 lao động đã bay quá cảnh qua Manta về Việt Nam. Một chuyến bay khác với 270 người đang chờ làm thủ tục tại sân bay Tripoli của Libya.
Ông Nguyễn Xuân Vui - Tổng Giám đốc Airseco cho hay, 200 lao động của công ty đã tập trung tại cảng Benghazi để cùng với các lao động Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh về Thượng Hải (Trung Quốc). Dự kiến, sau 15 ngày trên biển, chiếc tàu chở các lao động sẽ cập cảng Thượng Hải, sau đó các lao động Việt Nam về nước bằng đường hàng không.
Vietnam Airlines đón lao động Việt Nam từ tối 28.2
Chiều tối 25.2, Vietnam Airlines (VNA) thông báo hãng sẽ đưa chuyến bay đầu tiên tới Cairo (Ai Cập) vào tối 28.2 để đón lao động về nước. VNA sẽ dùng máy bay Boeing loại hơn 300 chỗ. Nhiều khả năng, máy bay sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào ngày 1.3. Sau đó, VNA sẽ tiếp tục có các chuyến bay giải cứu công nhân. VNA khuyến cáo hành khách bị mắc kẹt tại Libya bằng mọi cách nên sớm di chuyển về thủ đô Cairo của Ai Cập để đăng ký về nước.
Diệu Hà - T.K - Thu Hằng