Dân Việt

Vụ chia tiền Vedan bồi thường: 41 hộ dân kêu cứu

26/02/2011 08:25 GMT+7
(Dân Việt) - Từ UBND huyện Cần Giờ đến Hội ND TP.HCM đều trả lời không giải quyết chi trả tiền bồi thường, quá bức xúc, ngày 22.2 vừa qua, 41 hộ đã cử đại diện trực tiếp đến các cơ quan chức năng và cơ quan lãnh đạo, nơi thường trú của mình kêu cứu.

Bị thiệt hại vẫn không được bồi thường

Sáng 24.2, chúng tôi gặp đại diện hơn 10 trong số 30 hộ dân có hộ khẩu thường trú ấp 1, xã Phước Khánh và có diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP. HCM) để nghe họ trình bày về quá trình đi đòi Vedan bồi thường. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Gia đình ông có 12ha ao nuôi tôm tại tiểu khu 23 A Gò Da, Rạch Bùng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ từ năm 1992.

 img
Các hộ dân tập trung trình bày vụ việc với phóng viên NTNN.

Từ đó đến nay, năm nào ông cũng kê khai và nộp thuế đầy đủ. Sau khi Vedan bị phát hiện xả thải bẩn và phải bồi thường cho nông dân, ông Việt làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 880 triệu đồng kèm theo xác nhận thời gian, diện tích nuôi tôm, các hoá đơn nộp thuế hàng năm... gửi Hội ND xã Thạnh An.

“Khoảng 1 tháng sau khi nhận đơn, Hội ND xã trả lại đơn, nhưng sau đó thì bảo làm đơn lần nữa rồi lại trả, nêu lý do là tôi không có hộ khẩu tại địa phương. Tôi lên Hội ND huyện Cần Giờ để hỏi thì nơi đây nói là chỉ đạo của thành phố như vậy. Tôi tiếp tục lên Hội ND thành phố trình bày thì cũng được lãnh đạo Hội ND nói hộ khẩu tôi ở Đồng Nai thì về Đồng Nai kê khai, nhận tiền...” - ông Việt cho biết thêm.

Sau đó, ông Việt được Hội ND huyện Nhơn Trạch cho biết: Theo cam kết bồi thường với 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, Vedan chi trả 100% thiệt hại. Cơ sở để bồi thường là của nông dân theo xác định vùng ô nhiễm do Vedan gây ra tại 3 địa phương của Viện Môi trường và Tài nguyên (MTTN). Nghĩa là, các hộ nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản thuộc trong vùng đã được xác định có đơn yêu cầu, xác định của chính quyền, ngành chức năng thì được nhận bồi thường. Người có diện tích nuôi trồng thuỷ, hải sản bị thiệt hại tại đâu thì về đó nhận tiền.

“Đã bị huyện Cần giờ từ chối, nay nghe huyện Nhơn Trạch giải thích như trên, cuối cùng tôi đã làm đơn khởi kiện Vedan tại Toà án huyện Nhơn Trạch và nộp án phí gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chờ đến 6 tháng, khi đến hỏi thì chỉ được toà trả lời bằng miệng là chờ chỉ đạo của tỉnh...” - ông Việt nói.

Cũng làm đơn, bị trả đơn và nhận được câu trả lời như ông Việt, các ông Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Quỡn và nhiều người khác có hộ khẩu tại xã Phước Khánh, có diện tích nuôi trồng tại xã Thạnh An cũng đã nộp đơn khởi kiện tại Toà án huyện Nhơn Trạch và từ 6 tháng nay. Sau đó, họ đều được toà trả lời bằng miệng là... chờ chỉ đạo.

Ai chi trả?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Tư vấn pháp luật của Hội ND TP.HCM cho biết: TP.HCM vẫn giữ quan điểm là không giải quyết chi trả tiền Vedan bồi thường cho 41 hộ có nuôi trồng thuỷ, hải sản tại huyện Cần Giờ nhưng hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai. Lý do là ngay từ đầu lập danh sách đã không có các hộ này.

Tuy nhiên, để giải quyết phù hợp, tránh gây thiệt hại cho người dân thì nên sớm tổ chức một cuộc họp gồm các thành phần: Viện MTTN, Ban Chỉ đạo giải quyết vụ Vedan và Hội ND Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM để bàn bạc cụ thể vấn đề.

Theo danh sách của Ban Chỉ đạo giải quyết vụ Vedan bồi thường thiệt hại tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 41 hộ cư ngụ tại 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành, có diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Cần Giờ hơn 200ha (Long Thành 8 hộ, Nhơn Trạch 33 hộ).

Ông Lâm Ngọc Trao - Chủ tịch Hội ND huyện Nhơn Trạch nói: “Không hiểu tại sao huyện Cần Giờ lại không chịu chi trả tiền Vedan bồi thường cho số hộ này. Tiền bồi thường cho họ, huyện Cần Giờ đã nhận bởi Vedan bồi thường thiệt hại trên cơ sở vùng ô nhiễm được xác định của Viện MTTN.

Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch, đợt chi trả đợt 1 vừa qua có 3.619 hộ được nhận với số tiền 26,6 tỷ đồng thì có đến 170 hộ có hộ khẩu tại TP.HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... được nhận hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Bình có hộ khẩu tỉnh Bến Tre, nuôi hơn chục ha tôm trong thời gian 10 năm tại Nhơn Trạch được chi trả đến 171.668.000 đồng.

Vì chờ đợi quá lâu, trong khi đó tại huyện Cần Giờ đang chi trả tiền bồi thường đợt 2 (Đồng Nai sẽ chi đợt 2 trong tháng 3), ngày 22.2 vừa qua hơn 20 người dân tại xã Phước Khánh đã trực tiếp kêu cứu đến Bí thư Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng các cơ quan Hội ND, Sở Tài nguyên và Môi trường, TAND tỉnh Đồng Nai.