Vậy mà không ngờ chẳng mấy chốc có "thương hiệu", trở thành bà Ba Mía nổi tiếng phố này. Bà ở lại luôn, thành người Hà Nội, mỗi năm 1- 2 lần về làng túi rủng rỉnh hào xu, ai cũng thèm.
Đúng là "buôn thất nghiệp lãi quan viên", "cả năm nhà quê không bằng một ngày ngồi lê Kẻ Chợ". Làn sóng người nông thôn ra phố, miền Bắc vào Sài Gòn, Tây Nguyên, lôi cuốn hàng chục triệu người quê khác...
Thức lâu mới biết đêm dài. Có ra thành phố làm ăn mới thấm thía ngọt bùi của thân phận người nhập cư xa xứ. Có lẽ đây là bài học ai cũng thuộc: Thì ra, thành phố là nơi dễ kiếm tiền nhưng cũng rất dễ tiêu tiền.
Nhiều người quê ra phố mà không nghề chuyên môn, không bằng cấp, ở nhà thuê vừa khổ vừa đắt, cơm đường cháo chợ, chạy đôn đáo quanh năm nhiều khi chỉ để dành được vừa đủ tiền mua vé xe và quà cáp cho bố mẹ, bà con dịp Tết. Cô nào có chút nhan sắc thì không khéo lại rơi vào cạm bẫy người…
Thực ra, ra phố hay ở lại làng cũng còn tùy, không thể ai cũng như ai, không phải “thấy người ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào". Có học, nhanh nhẹn, tháo vát, thích nghi được với kỹ thuật, công nghiệp và cuộc bon chen thị thành, và trước hết là phải đầy bản lĩnh và nghị lực thì về sau chắc sẽ trụ lại vững vàng. Đa số dân thành phố trước cũng là người quê đó thôi.
Thời lạm phát, vật giá leo thang, cuộc sống ở phố cũng như nông thôn có nhiều biến động khó khăn, chắc sẽ có chuyện ở hay về. Không có câu trả lời cho tất cả mọi người. "Mình đi ta ở lại nhà/Cái dưa thì khú, quả cà thì thâm". Nhưng đã có bao người ở lại kiếm sống ngay trên quê hương mình mà không phải ăn cà thâm, dưa khú!
Nguyễn Quang Thân