Dân Việt

Lên đồng - Bản sắc văn hóa cần được hiểu đúng

27/02/2011 07:42 GMT+7
(Dân Việt) - Từ bao đời nay, lên đồng đã trở thành một giá trị tín ngưỡng tâm linh thành kính của người Việt. Giá trị đó hiện đang bị nhiều người lợi dụng để mưu lợi, mất dần bản sắc vốn có.

Trung tâm Văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền, Hà Nội) chiều 23.2 vừa qua đã trở nên "nhỏ bé" khi có hơn một nghìn người đến tham dự hội thảo đặc biệt "Lên đồng - Bảo tàng sống của văn hóa Việt", đủ thấy giá trị tâm linh từ lâu đã hiện hữu trong tâm hồn mỗi người.

img
Một buổi hầu đồng tại đền Sòng (Thanh Hoá).

Tìm giá trị đích thực

Cử toạ đã "nín thở” theo dõi hơn 40 phút thuyết trình, giải đáp của GS-TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia. GS Thịnh là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lên đồng. Bên cạnh những ý kiến của ông, Trung tâm Văn hoá Pháp cũng táo bạo tổ chức một màn "trình diễn" mang đậm nghi lễ diễn xướng đủ để nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, "vỡ ra" những giá trị chân thực, đúng đắn của lên đồng.

Lên đồng không phải là một tín ngưỡng độc lập, mà chỉ là một nghi lễ đặc trưng nhất của đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Tuy nhiên, nếu xét thuần túy về khía cạnh tôn giáo học, thì lên đồng lại mang những nét đặc trưng của Shaman giáo, một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới và gắn với hình ảnh của các ông đồng, bà đồng.

GS Ngô Đức Thịnh cho biết: "Các ông bà đồng ở đây không phải là những người tự nguyện đến với tín ngưỡng này, mà chủ yếu họ bị đẩy tới việc phải ra đồng". Bên cạnh đó, một số trường hợp đã trở thành ông đồng, bà đồng sau những trận ốm tạo nên sự hoảng loạn về tâm thần, khiến họ có những hành vi khác với những người bình thường…

Không những thế, lên đồng còn có ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Then của người Tày, Mỡi của người Mường, Một của người Thái…

Đừng để bị lợi dụng

Có một số trường hợp được gọi là "đồng đua". Theo GS Thịnh: "Đây là những người rỗi rãi, "dư của" đua đòi lên đồng. Với các trường hợp này, hầu hết khi mở phủ không phải do tự nguyện hay ý thích bản thân. Theo họ, nếu không ra trình đồng thì sẽ bị "Thánh hành" hay còn gọi là "cơ đầy".

Trong xã hội hiện đại, từ nông thôn đến thành thị, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng vẫn tồn tại và có phần phát triển, mở rộng. Cùng với đó, các điện thờ Tứ Phủ trong các chùa chiền đã góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp có lễ lớn và thu hút đông đảo các tín đồ đến hành hương, dâng cúng.

Ngoài khía cạnh tín ngưỡng, nghi lễ lên đồng còn bao chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, đã có một mảng riêng về lên đồng được sưu tập đang lưu truyền trong dân gian qua thành văn và truyền miệng như huyền thoại, truyền thuyết, hát văn, truyện thơ, câu đối…

Lên đồng còn là một dạng "sân khấu tâm linh" với hình thức diễn xướng dân gian tổng thể qua âm nhạc chầu văn và văn chầu. Cũng như những mảng kiến trúc tạo hình tại đền phủ cùng với tranh, tượng thờ, trang phục… tạo nên sự tích hợp đặc sắc về văn hóa.

Đáng lo ngại là lên đồng đang bị người ta lợi dụng vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa vốn có của tôn giáo tín ngưỡng. GS cho rằng: "Không ít người lợi dụng lên đồng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác".