Chợ Bà Rén là chợ heo giống đầu mối lớn nhất Quảng Nam, hình thành cách đây 42 năm. Các lái heo kể: Mỗi lần cân heo giống là một lần khó vì nhốt heo vào sọt hay trói để cân thì sợ heo bị xây xát. Hơn nữa, bán xong phải khiêng heo cho khách thì mất thời gian.
Một số phụ nữ nghèo khó sống quanh chợ đã giải quyết cái khó khăn này bằng cách xin bồng heo lên cân, cân xong bồng luôn ra xe cho khách.
Nhặt từng 500 đồng
Muốn biết cảm giác nghề phu heo thế nào, chúng tôi xin theo chân chị Trần Thị Thảo (47 tuổi, quê Quế Sơn), một người có thâm niên trong nghề. 4 giờ 30 sáng, chúng tôi có mặt tại chợ Bà Rén thì lực lượng bồng heo thuê đã không thiếu một ai.
Chị Thảo đón chúng tôi bằng nụ cười chân chất của nông dân: "Mấy chú tỉnh ngủ chưa? Nghề này cực vậy đó, phải dậy sớm về muộn".
Một thương lái gọi giật chị Thảo, nhanh như sóc, chị túm ngay con heo mà khách ưng ý trong chiếc sọt thép, ôm vào lòng và bước lên chiếc cân. Bước xuống, nhẹ nhàng bỏ vội con heo đã cân vào sọt cho khách, chị hóm hỉnh: "Con thứ hai cho mấy chú làm thử, cẩn thận kẻo heo chạy mất".
Quả vậy, lóng ngóng mất mấy phút, chúng tôi mới ôm được chú heo con vào lòng mình. Bồng xong 11 con heo, chị Thảo nhận 5.500 đồng từ tay chủ buôn. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, chị cười: "Nghề này là vậy, nhặt từng 500 đồng. Nhưng đừng chê ít, một ngày tui cũng kiếm được từ 20-40 ngàn đồng đó nghe".
Các nữ phu heo ăn bữa cơm trưa vội vàng ngay tại chợ, trong cái mùi khét của mồ hôi, mùi hôi của phân heo. Buổi chiều khách đến mua heo có vẻ thưa nhưng lại khá vất vả cho đội ngũ bồng heo thuê vì cái nắng chảy mỡ của mảnh đất miền Trung này.
Chiều tối, chị Thảo chia tay chúng tôi rồi tất tả ra về để lo cơm nước cho những đứa con mà chị đã nhọc nhằn nuôi chúng khôn lớn từ những tờ 500 đồng, với niềm tin ngày mai con mình sẽ sống thơm tho, sạch sẽ.
Ấm tình người phu heo
Đội ngũ phu heo tại chợ có 20 người, tất cả đều là phụ nữ, tuổi 40 trở lên, đất ruộng không còn, mà xin công ty, xí nghiệp thì không ai nhận. 2 ngày cùng chị Thảo làm nghề bồng heo thuê, chúng tôi khá ngạc nhiên vì không nghe một tiếng cãi cọ, tranh giành.
Chị Thảo nhớ lại: "18 năm trước, tôi từ Nam Định vào chợ Bà Rén mưu sinh, không một cắc bạc trong người. Chị em gần đó thấy thương rủ và nhường cho mình bồng heo".
Chính nhờ sự yêu thương của các chị em mà chị Thảo nuôi được người cha già yếu cùng 2 đứa con gần 20 năm qua.
Giữa cái khó khăn, họ vin víu vào nhau để sống. Nhường nhau những lần bồng heo để tan chợ ai cũng có ít tiền ra về. Cụ bà Lưu Thị Liên (Quế Sơn) - người có tuổi đời cao nhất trong nhóm người bồng heo, móm mém: "Bà 75 tuổi rồi. Già rồi nên bồng heo khó khăn và nhanh mệt hơn bọn trẻ, về tối là đau lưng. Nhưng nghèo quá, phải đi làm nghề này thôi". Thương cụ bà vất vả, hội người bồng heo thuê luôn nhường bà Liên những con heo nhẹ nhất.
Những tưởng việc bươn chải, kiếm tiền từ cái nghề nhọc nhằn, hôi hám này sẽ làm con người trở nên cau có. Nhưng lạ thay, tình người của những "phu heo" ở chợ Bà Rén lại đẹp lung linh. Chị Bê, mất chồng đã 9 năm, một mình lo cho 5 đứa con nheo nhóc. Nếu không có chị em tại chợ cưu mang, nhường từng 500 đồng cho chị thì bây giờ gia cảnh của chị không biết xót xa mức nào.
Hoàng Đạo