Quá thiếu bác sĩ
Ths Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai) đang kiểm tra một ca ngộ độc nặng. |
Đầu năm 2010, thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng- Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đi tăng cường 3 tháng cho tuyến dưới tại BV Đa khoa Phố Nối, Hưng Yên. Mặc dù gần Hà Nội nhưng thời điểm ấy bác sĩ cấp cứu chống độc chỉ có 3 người, trong đó 2 người đang đi học.
Theo thạc sĩ Dũng, với thực tế tại BV Đa khoa Phố Nối thì phải có 5 bác sĩ may ra mới đáp ứng đủ nhu cầu, 3 người là quá ít. “Chỉ có 3 người mà 2 người lại đi học, 1 bác sĩ còn lại không thể phục vụ xuể bệnh nhân”- thạc sĩ Dũng nói.
Chuyện thiếu bác sĩ dường như đang xảy ra ở khắp các BV trên cả nước. Các BV tỉnh hiện có đủ các khoa nhưng mỗi khoa lại chỉ có lèo tèo một vài bác sĩ. Ví dụ như khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa Tuyên Quang có 2 bác sĩ nhưng thực tế chỉ có 1 người làm vì 1 bác sĩ được cử đi học. Do thiếu người, bác sĩ đương nhiên phải kiêm thêm việc và không có thời gian để trau dồi kiến thức.
Hơn nữa, BV nào cho nhân viên đi học lại lo nơm nớp họ “bay” mất. Tại tỉnh Hà Tĩnh, nếu tính theo quy định của Bộ Y tế, cứ 7 bác sĩ/1 vạn dân thì địa phương này thiếu khoảng 200 bác sĩ.
Trong khi đó, tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra nặng nề. Bác sĩ Võ Việt Quang - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay, riêng năm 2009, đã có đến 4 người, trong đó có 2 thạc sĩ và 2 bác sĩ bỏ việc ở cơ sở y tế nhà nước, ra ngoài làm không cần bảo hiểm, không cần lấy hồ sơ. Tại Hà Tĩnh, BV huyện Vũ Quang có 150 giường bệnh, trừ số bác sĩ đi học, số khám ở BV chỉ có 7 - 8 người trong khi BV phải đón tới hơn 200 bệnh nhân khám/ngày.
Bài toán thiếu nhân lực đôi khi đi đôi với trình độ chuyên môn. Khi một bác sĩ phải khám quá nhiều người với nhiều loại bệnh khác nhau thì chuyện chẩn đoán nhầm rồi dẫn đến điều trị sai rất dễ xảy ra. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng nêu một ví dụ, ngộ độc thuốc trừ sâu, nếu dùng thuốc giải độc bừa bãi thì tình trạng bệnh nhân sẽ nặng thêm. Nhưng ở địa phương, cứ ngộ độc là bác sĩ cho uống thuốc giải độc!
Quan trọng nhất là nâng cao thu nhập
Thiếu trầm trọng bác sĩ nên hiện nay, nhiều BV đa khoa tuyến tỉnh đã được trang bị máy móc nhưng vẫn thiếu người làm. “Lãnh đạo BV phải có chính sách để thu hút được bác sĩ về làm, hiện nay kiến thức không khó như xưa”- thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
Một ví dụ điển hình mà đội ngũ áo trắng đang trầm trồ là BV Đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh đã thu hút được bác sĩ về rất đông vì thu nhập tốt. BV này có bác sĩ thu nhập đến 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Nguồn thu nhập chính đáng có được là nhờ lãnh đạo BV có chương trình hợp tác với các BV Trung ương về các chuyên khoa ngoại, sản, mắt, truyền nhiễm, chống độc… để bệnh nhân có thể khám theo yêu cầu. Bác sĩ có thu nhập từ chính tay nghề của mình và bệnh nhân thì không phải chuyển tuyến.
Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng thực hiện được như BV Đa khoa Bãi Cháy. Tại Ninh Bình, Sở Y tế đã ưu ái thu hút bác sĩ bằng cách, sinh viên tốt nghiệp ngành y không cần thi tuyển, nộp đơn sẽ được tuyển dụng ngay nhưng rốt cuộc vẫn không tuyển đủ số lượng đưa ra vì lương quá thấp.
Giám đốc một Sở Y tế vùng cao đã từng đăng đàn rằng, địa phương từng có chính sách đãi ngộ cho bác sĩ nếu về địa phương là một mảnh đất để yên tâm “lạc nghiệp” nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng!
Hồng Hoa