Trên con đường từ trụ sở UBND xã tới xóm Mơn, anh Phùng Mạnh Tuất- Chủ tịch Hội ND xã Văn Luông liên tục chỉ cho chúng tôi biết đâu là đồi trồng sơn, đâu là đồi trồng keo, bạch đàn. Nghe đến cây sơn thì tò mò, như khi leo lên đến đồi sơn của gia đình ông Hà Công Quế, ai trong đoàn cũng e ngại bởi câu nói “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”. Nhưng được sự trấn an của lão nông Hà Công Quế, cả đoàn trở nên mạnh dạn hơn khi lách từng hàng cây sơn trên đồi xem thợ cạo mủ.
Cây “cho” khá giả
Gia đình ông Hà Công Quế trồng 3.000 cây sơn trên diện tích đồi 1,6ha. Đồi sơn của gia đình ông đã khai thác mủ năm thứ 2. Trừ trường hợp mưa to gió lớn hay rét đậm rét hại, còn bình quân mỗi ngày gia đình ông thu gom 4kg mủ sơn. Năm ngoái giá sơn lên tới 120.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 70.000-100.000 đồng/kg. “Giá sơn cao như năm ngoái hay thấp như năm nay tính ra vẫn có hiệu quả kinh tế hơn trồng chè, keo lai. Khoảnh đồi này trước kia trồng tre đành hanh, bương, mỗi năm vớt vát giỏi lắm cũng chưa quá 10 triệu đồng. Năm 2008, được Ngân hàng CSXH cho vay 14 triệu đồng đầu tư trồng sơn nên 2 năm nay không chỉ thoát nghèo mà trong nhà còn có của ăn của để”- ông Quế chia sẻ.
Suốt chặng đường đất, vượt lạch nước, leo lên đồi sơn, vợ chồng ông Hà Công Quế không ngớt nói về cây sơn, nghề trồng sơn lấy mủ với tâm trạng hết sức phấn khởi. Chị Hà Thị Duyên-Trưởng thôn Mơn cho biết: “Cả thôn có gần 100 hộ, hiện có hơn 50 hộ trồng sơn. Những gia đình trồng sơn đã cho thu hoạch mủ như hộ ông Hà Công Quế, Hà Đức Phương... phấn khởi vì mỗi năm thu vài chục triệu đồng. Những hộ mới trồng nóng lòng mong ngày cây sơn cho mủ...”.
Hướng đi mới cho huyện nghèo
Văn Luông là xã có thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp. Toàn xã có hơn 1.155ha đất lâm nghiệp chủ yếu trồng các cây nguyên liệu giấy như keo lai, bạch đàn. Diện tích trồng chè của xã cũng hơn 328ha. Bên cạnh cây nguyên liệu giấy, chè, mấy năm nay cây sơn đang tỏ ra chiếm ưu thế. Anh Phùng Mạnh Tuất, cho biết: “Chu kỳ của cây sơn là 7 năm, trồng 2 năm thì có thể thu hoạch mủ.
Năng suất mủ đạt cao nhất từ năm thứ 4,5,6, đến năm thứ 7, người dân chặt bỏ cây cũ để trồng cây mới. Cây sơn dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật canh tác kỹ lưỡng, cẩn thận như cây chè, đầu ra ổn định, giá cao, nhu cầu thị trường còn lớn”. Tổng diện tích sơn toàn xã Văn Luông hiện đạt 44,5ha. Diện tích sẽ tiếp tục tăng vào những năm tới.
Thu nhập hấp dẫn, nhưng để có được thành quả, người trồng sơn cũng vất vả không kém so với chăm sóc các cây trồng khác. Chị Đặng Thị Lan ở xóm Hoàng Văn tâm sự: “Khi cây sơn bước vào cho thu hoạch mủ, người trồng sơn bận bịu như nuôi con mọn. 4 giờ sáng đã lên đồi cắt vỏ hàng trăm cây sơn, đến 8 giờ tranh thủ về nhà ăn vội bát cơm lót dạ, 10 giờ lại lên đồi sơn gom mủ cho tới trưa trật mới về. Nhưng bù lại, trồng sơn cho thu nhập khá cao ”.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn- Dương Anh Tuấn, cho biết: “Ngoài trồng sơn, dự án tiểu vùng của Ngân hàng CSXH còn đầu tư cho ND một số xã trong huyện trồng chè, nuôi bò sinh sản. Dự án tiểu vùng của Ngân hàng CSXH đang được đánh giá là bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện nghèo Tân Sơn...”.
Phương Đông