Xin Đại sứ cho biết lý do khiến Anh ngừng viện trợ cho VN?
ĐS Antony Stokers: VN giờ đây là một nền kinh tế mạnh mẽ đang trỗi dậy, VN cũng đã trở thành nước có thu nhập trung bình theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Đó là lý do Chính phủ Anh chấm dứt viện trợ song phương cho VN vào năm 2016. Ngoài VN, tới đây có 6 nước khác sẽ không nhận được viện trợ trực tiếp của Anh, với lý do tương tự.
Đại sứ Antony Stokers và bà Fiona Lappin trả lời phỏng vấn của NTNN. |
Bà Fiona Lappin: Sứ mệnh của DFID sẽ kết thúc vào năm 2016, tuy nhiên, trong 5 năm tới, Anh sẽ vẫn tiếp tục cam kết trợ giúp VN theo như hiệp định 10 năm đã ký kết hồi năm 2006. Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với phía VN, để bàn thảo kỹ lưỡng về nhu cầu của VN trong 5 năm tới, qua đó sẽ có những chính sách phù hợp và mang lại lợi ích phát triển cho VN.
VN đã rất thành công trong công cuộc cải cách và xóa đói, giảm nghèo và là tấm gương trong việc giảm nghèo để nhiều nước học hỏi. Giờ đây, chúng tôi muốn hướng đến một giai đoạn mới như các vấn đề về biến đổi khí hậu, giáo dục, tính chịu trách nhiệm của Chính phủ…
Mặc dù VN đã trở thành nước thu nhập trung bình theo đánh giá của WB, nhưng thực tế, VN vẫn còn nghèo và đang cần viện trợ từ nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực nông thôn…
ĐS Antony Stokers: Chúng tôi nhận thấy kinh tế VN đang đi lên, phát triển bền vững. Mặc dù ở thời điểm này, VN đang gặp một số thách thức trong tăng trưởng, nhưng với những chính sách mạnh mẽ của Chính phủ VN, tôi tin là những thách thức này sẽ được giải quyết.
Bà Fiona Lappin
Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ VN trong vòng 5 năm tới. Trong quãng thời gian đó, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ VN nhiều nhất có thể và những vấn đề còn tồn tại cũng sẽ được giải quyết trong 5 năm tới.
Ngoài ra, sau năm 2016, viện trợ trực tiếp song phương bị ngừng, nhưng cũng có thể, Anh sẽ lại viện trợ cho VN qua kênh khác, như đa phương chẳng hạn.
Bà Fiona Lappin: Tôi thấy rằng, nông thôn VN cũng đã thay đổi, nhưng vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, một trong số đó là hệ thống giáo dục và giao thông nông thôn.
Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn đến giáo dục tiểu học ở nông thôn để mang lại cơ hội đến trường cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Một vấn đề khác là giao thông nông thôn. Dự án giao thông nông thôn mà chúng tôi kết hợp với WB và Chính phủ VN vừa hoàn thành có quy mô rất lớn, đó là dự án mà chúng tôi thấy ưng ý nhất.
Giống như VN, Ấn Độ cũng là một nước có thu nhập trung bình, theo đánh giá của WB, nhưng tại sao Anh vẫn duy trì viện trợ mà không cắt bỏ như đối với VN?
Bà Fiona Lappin: Tôi có nhiều thời gian làm việc và nghiên cứu về Ấn Độ, nên tôi hiểu rất rõ, không giống như VN, quốc gia này tồn tại sự chênh lệch mức sống quá lớn do chính sách thuế chưa đủ phát triển để có thể phân phối lại thu nhập tạo sự công bằng cho dân cư.
Mặc dù có thu nhập trung bình, nhưng Ấn Độ vẫn là nước chiếm tới 1/3 số người nghèo nhất của thế giới. Một nửa trẻ em ở quốc gia này bị suy dinh dưỡng. Viện trợ của Anh sẽ chỉ tập trung vào 3 bang nghèo nhất ở nước này.
Quyết định ngừng viện trợ có ảnh hưởng đến quan hệ song phương Anh - Việt?
ĐS Antony Stokers: Chắc chắn là không. Bất cứ mối quan hệ nào cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Quan hệ Anh- Việt đang phát triển rất tốt đẹp, và sẽ gắn bó hơn trong thời gian tới. Không chỉ có viện trợ, chúng tôi còn có nhiều kênh hợp tác và phát triển với VN.
Đăng Thúy (thực hiện)