Dân Việt

Hỗ trợ lâu dài cho lao động

03/03/2011 02:48 GMT+7
(Dân Việt) - Trong vòng hơn 1 tuần xúc tiến việc đưa lao động Việt Nam ở Libya về nước, Chính phủ, Bộ LĐTBXH cùng các bộ, ngành liên quan đã làm hết sức có thể theo đúng phương châm “cứu người như cứu hoả”.

Tới thời điểm ngày 2.3, phần lớn hết lao động Việt Nam đã được di tản khỏi Libya hoặc về nước…Trên các báo hiện nay, từ “trước mắt” được dùng khá dày đặc để chỉ việc hỗ trợ lao động về nước như “trước mắt hỗ trợ lao động 1 triệu đồng làm lộ phí về quê”… Nhưng còn lâu dài thì sao?

Lao động bày tỏ rất rõ mong muốn của họ: Có tiền trả nợ và có công ăn việc làm. Với hơn 10.000 người về nước ồ ạt, đây là bài toán cực khó mà riêng ngành LĐTBXH không thể giải quyết được.

Nhận định này có minh chứng cụ thể. Vụ việc ở Libya, dẫu hơi đặc biệt nhưng vẫn làm người trong ngành XKLĐ liên tưởng tới tình trạng năm 2009. Đó là thời điểm khủng hoảng kinh tế, hơn 10.000 lao động Việt Nam tại nhiều quốc gia phải về nước trước hạn do chủ sử dụng lao động phá sản, hoặc phải làm việc cầm cự, lương không đủ sống…

Thời điểm đó, một số doanh nghiệp XKLĐ thờ ơ, mặc kệ lao động. Một số doanh nghiệp khác thì có trách nhiệm hơn, lo lắng đưa lao động về nước, nhưng rồi cũng đành “buông tay” bởi bản thân các doanh nghiệp này cũng cực kỳ khó khăn do phải chi phí tài chính bù thiệt hại các hợp đồng.

Cơ quan chức năng cũng chỉ loay hoay chỉ đạo một vài chính sách hỗ trợ khá yếu ớt. Lao động về nước phải tự xoay xở trả nợ và tìm kiếm việc làm…

Đáng lo, chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2011 là đưa 87.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài thì giờ đã có hơn 10.000 lao động về nước, như vậy, mục tiêu giải quyết việc làm thông qua XKLĐ đã “âm” ngay từ đầu năm. Với tốc độ tạo việc làm trong nước hiện nay, việc xoay xở có thêm được 10.000 việc làm mới không hề dễ dàng, bởi sẽ liên quan tới việc tăng đầu tư… mà các nguồn đầu tư đều hữu hạn và có kế hoạch đâu vào đó hết.

Trước mắt (lại trước mắt), Bộ LĐTBXH đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ lao động; một vài doanh nghiệp- rất đáng quý- đã vào cuộc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ việc làm. Nhưng số này không thấm vào đâu so với con số hơn 10.000 người ồ ạt về nước.

Vì vậy, cần phải có chính sách chung- không chỉ cho 10.000 lao động này- mà còn dự phòng nhiều rủi ro cho lao động về sau để hỗ trợ lao động tìm việc làm mới, hoặc vay vốn tự tạo việc làm mới nhằm ổn định cuộc sống. Có như vậy, sự ổn định mới thực sự “lâu dài” với những lao động xuất thân từ những vùng quê nghèo khó.