Mía cháy trên diện rộng
Khoảng 15 giờ ngày 27.2, ruộng mía của gia đình ông Trần Văn Khang (thôn Kim Môn, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) bốc cháy dữ dội. Mặc dù phát hiện kịp thời, ông Khang đã huy động hơn chục người chữa cháy, nhưng do gió lớn, mía khô nên toàn bộ ruộng mía 6ha của ông vẫn bị hỏa thiêu trong khoảng một tiếng rưỡi.
Ông Khang đau khổ nói: “Suốt tháng nay ngày nào tôi cũng cắt người canh chừng ruộng mía, chỉ sơ sẩy chút xíu mà thành công cốc. Bây giờ mía cháy, sản lượng bị giảm ít nhất 60 tấn, mất gần 60 triệu đồng. Đó là chưa kể thiệt hại do mía cháy bị mất phẩm chất, phải thuê người chặt với giá cao hơn, tốn nhiều công hơn...”.
Cùng ngày, 1ha mía của ông Ksơr HPil ở xã Chư Băh, 1ha mía của ông Ksơr Dung ở xã Ia Ke... cũng bị thiêu trụi.
Ông Cáp Thành Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai, bức xúc: “Mía cháy buộc công ty phải ưu tiên xử lý trước. Lịch chặt mía vì vậy phải thay đổi khiến nhiều người bức xúc, tuyên bố bán mía ra ngoài cho các nhà máy khác. Không chỉ vậy, mía cháy còn làm giảm chất lượng đường, tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”.
Hoả hoạn từ cuộc chiến nguyên liệu
Trả lời câu hỏi của NTNN vì sao mía cháy, ông Cáp Thành Dũng cho biết: “Ban đầu mía cháy là do người dân dùng lửa bất cẩn. Nhưng về sau cháy nhiều, cháy lớn, cháy đồng loạt tại nhiều địa điểm là do các đối tượng xấu cố tình đốt.
Chúng tôi loại trừ nguyên nhân cháy lan, vì tàn lửa không thể bay xa hàng chục cây số để gây cháy cùng một lúc tại 4 - 5 xã khác nhau được.
Ông Đào Chí Hiếu - Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai
Điển hình là trong vụ cháy mía ngày 29.1 tại xã Ia Peng, huyện Phú Thiện đã phát hiện 4 đối tượng bịt mặt từ trong rẫy mía chạy ra. Các đối tượng này còn dùng gậy, đá tấn công công an xã và những người chữa cháy”.
Cũng theo ông Dũng, khi mía cháy liên tiếp thì nông dân sẽ hoang mang, lo sợ nên phá vỡ hợp đồng với nhà máy, bán mía cho tư thương với giá rẻ.
Niên vụ 2010 - 2011, Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho nông dân thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Chư Sê, Krông Pa trồng hơn 5.000ha mía với định mức 18 - 21 triệu đồng/ha trồng mới và 10 triệu đồng/ha lưu gốc.
Nhưng theo thống kê của công ty, từ đầu vụ đến nay đã có khoảng 12.000 tấn mía cây bị lái buôn vào thu mua, chở về bán cho các nhà máy đường khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Điều đáng nói là các nhà máy đường thưởng rất lớn cho thương lái (khoảng 300.000 đồng/tấn) để kích thích việc tranh mua nguyên liệu, còn thương lái lại mua mía của nông dân với giá rẻ mạt.
Thực trạng này một lần nữa cho thấy, việc các nhà máy đường ký cam kết không tranh mua nguyên liệu của nhau chỉ là hình thức. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư mà còn tạo bức tranh bát nháo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mía đường.
Đồng Nguyên