TS Phạm Sỹ Liêm cho biết: Cứ 10 năm một lần chúng ta lại sửa đổi, bổ sung luật. Tôi thấy lần sửa đổi này chủ yếu vẫn để tăng quyền hạn cho việc quản lý nhà nước, thực chất là cụ thể hóa quyền hạn của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Tôi thấy đó không phải là mục đích của việc sửa luật.
Thứ hai, chuyện đất đô thị, phát triển đô thị không ai quan tâm cả, vẫn như cũ, thậm chí trong Luật Đất đai (sửa đổi) còn có những câu rất buồn cười như đem xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao thành kinh doanh phi nông nghiệp, thế là không được. Chính quan điểm đó làm hại cho nông nghiệp.
Thứ ba, đất đai là tài nguyên, là một nguồn lực để phát triển đất nước, nhưng ta phải huy động tài nguyên đó thành nguồn lực, chứ không phải tự nó thành nguồn lực được. Tôi thấy những người xây dựng dự thảo hình như chưa có khái niệm gì về vấn đề này.
Nông dân chỉ yên tâm sản xuất lớn khi được giao đất lâu dài, ổn định. |
Theo nhìn nhận của ông, những nét mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được những hạn chế gì của Luật Đất đai hiện hành?
- Tôi là người làm về lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị nên tôi thấy ở khía cạnh đó, luật đang có bước thụt lùi. Còn về lĩnh vực nông nghiệp, đất nông nghiệp, tôi thấy những vấn đề cần làm thì không thấy ban soạn thảo đề cập. Chẳng hạn việc cần bảo vệ đất canh tác, đất màu mỡ, đất rừng, đất ven biển và phải bảo vệ như thế nào hoàn toàn không thấy đề cập đến. Đô thị hóa đang phát triển theo chiều rộng, chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến đất nông nghiệp màu mỡ.
Ông có thể nói rõ hơn việc phát triển đô thị theo chiều rộng đã và sẽ ảnh hưởng tới đất nông nghiệp như thế nào?
- Chẳng hạn như thủ đô Hà Nội đã mở rộng và có ngoại thành với diện tích lớn. Đất ngoại thành là đất nông nghiệp nhưng kỳ thực nó đã được quy hoạch phát triển thành đất đô thị rồi. Hay như cả huyện Chí Linh (Hải Dương) đổi thành thị xã Chí Linh và dù là đất nông nghiệp, đất rừng nhưng đã được quy hoạch vào quỹ đạo thành đất thành thị... Tất cả những điều đó được đánh giá là phát triển đô thị theo chiều rộng. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo và đã lưu ý Việt Nam về vấn đề này. Họ cho rằng Việt Nam là 1 trong 10 nước bị uy hiếp trầm trọng vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ “ăn” 10% diện tích đất đai và diện tích đó tập trung ở đồng bằng, là đất ruộng, đất canh tác. Trong khi Việt Nam lại không biết bảo vệ, giữ gìn đất màu mỡ mà lại phát triển đô thị theo chiều rộng, điều đó sẽ dẫn tới việc sử dụng lãng phí tài nguyên đất, đầu tư tốn kém cho hạ tầng mà hiệu quả mang lại không cao.
TS Phạm Sỹ Liêm
Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những thay đổi về hạn mức, hạn điền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hạn mức, hạn điền cần được kéo dài và mở rộng hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và để nông dân yên tâm đầu tư lâu sản xuất. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi cũng biết rằng về thời hạn giao đất và hạn điền cho nông dân, luật sửa đổi nới rộng hơn, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm từ 20 năm đã mở lên 50 năm. Hạn điền cũng đặt ra giới hạn là không vượt quá 10 lần hạn mức Nhà nước giao đất và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với từng địa phương, từng thời kỳ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cái mà nông dân quan tâm là họ cần một điều gì đó ổn định bền vững thực sự để mở rộng đầu tư lâu dài cho nông nghiệp. Cho nên Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cần quy định rõ khi hết thời hạn sử dụng đất, Nhà nước sẽ giao đất tiếp nếu không có nhu cầu đặc biệt gì. Chỉ cần như thế nông dân, nhà đầu tư nông nghiệp sẽ yên tâm.
Ngoài hạn mức, hạn điền, theo ông người nông dân và nhà đầu tư nông nghiệp còn quan tâm đến nội dung gì?
- Tôi nghĩ nông dân và nhà đầu tư nông nghiệp còn quan tâm đến tính ổn định của chính sách và quyền tài sản của họ được bảo vệ. Quyền tài sản không chỉ đất, mà còn những thứ ở trên đất. Cái này chúng ta chưa có luật hóa một cách rõ ràng. Hiện nay mô hình trang trại đang rất phát triển, tuy nhiên người làm trang trại như đang ngồi trên thùng thuốc súng bởi chính sách cứ thay đổi xoành xoạch, thử hỏi làm sao họ có thể yên tâm đầu tư? Chính sách thay đổi thì mọi tính toán của người dân sẽ phá sản. Cho nên đã sửa luật thì phải tốt hơn để tăng tuổi thọ cho luật.
Ông Vũ Viết Đông (Tiên Lãng, Hải Phòng): Không biến đất thành hàng hóa
Ở Việt Nam hiện đang có xu hướng biến đất đai thành hàng hóa. Ví dụ, một dự án thu hồi đất nông nghiệp với giá rẻ, sau đó nộp thuế, làm cơ sở hạ tầng rồi phân lô bán nền, lời gấp vài ba chục lần giá đền bù. Có nghĩa ở đây đất đã bị sử dụng thành một thứ hàng hóa kinh doanh siêu lãi mà bản thân người có đất bị thu hồi không có lợi nhuận, họ bị tước mất tư liệu sản xuất. Như vậy mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế ắt hẳn xảy ra. Do vậy Nhà nước nên có các giải pháp hạn chế biến đất đai thành hàng hóa để kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Dũng (chuyên gia cao cấp về nghiên cứu nông nghiệp): Cần phải minh bạch và bồi thường sát giá thị trường
Chúng ta cần phải minh bạch hơn trong việc thu hồi đất, vì hầu hết người dân bị thu hồi đất đều cho rằng có dấu hiệu tham nhũng, bởi khi thu hồi chúng ta chưa tuân thủ theo một phương thức bắt buộc, mỗi địa phương một cách làm.
Trong khi Luật Đất đai đã quy định giá đất của Nhà nước phải sát với giá thị trường, tất nhiên là cả giá đất bị thu hồi, nhưng pháp luật hiện hành lại không có một hướng dẫn cụ thể nào về việc thi hành chính sách này khiến đất thu hồi luôn bị tính giá thấp hơn đất thị trường nhiều lần, dẫn tới sự phản ứng của người dân. Do vậy cần phải có một cơ quan để định giá đất ở từng thời điểm thu hồi nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất.
Gia Tưởng (ghi)
Đình Thắng (thực hiện)