Dân Việt

Dự thảo Luật Thủ đô: Thiếu quan tâm khu vực ngoại thành

06/11/2012 06:47 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 5.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô. Nhiều đại biểu lo ngại, khi dùng tới những biện pháp “rắn” để hạn chế nhập cư, khả năng tiêu cực trong vấn đề nhập khẩu sẽ tăng lên đáng kể.

Tăng nguy cơ nhập cư “lách luật”

Dự thảo Luật Thủ đô từ Điều 12 tới Điều 19 nhấn mạnh về quản lý dân cư, mà trọng tâm là kiểm soát dân nhập cư vào 4 quận nội thành.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) nêu thực tế, sau 5 năm ban hành Luật Cư trú, số người ở các tỉnh, thành phố khác chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống tăng nhanh. Tính đến tháng 3.2012, toàn thành phố có 1.805.335 hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú gần 1 triệu người.

Theo phê duyệt của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030 dân số Hà Nội từ 9 - 10 triệu người. Vì thế Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Dự thảo luật đưa ra các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết”.

img
Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Quốc hội sáng 5.11.

Về “các điều kiện” mà ông Chung, dự thảo đưa ra 2 phương án và đều thiên về quản lý hành chính. ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tỏ ra băn khoăn: “Trước khi chọn phương án, chúng ta phải trả lời câu hỏi: Vì sao môi trường sống chưa hẳn đã tốt nhưng người dân lại thích về thủ đô? Phải chăng quy hoạch thủ đô có vấn đề?”.

Cũng theo ông Nhân, việc người dân tìm đến thủ đô là chuyện hết sức bình thường, vì Hà Nội còn cần đến họ và bởi tính hấp dẫn của thủ đô. Nếu chỉ đơn thuần quản lý hành chính sẽ không ổn.

Lo ngại người lao động ngoại tỉnh sẽ bị “gạt” ra khỏi thủ đô, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) góp ý: “Siết quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng lượng người nhập cư không chính thức. Họ sẽ phải đối mặt với các bất lợi trong việc làm, thu nhập, các phúc lợi xã hội khác”.

Nhiều ĐB cho rằng cần phân biệt rõ nhập cư và tạm cư để có cách quản lý các nhau. Với lao động ngoại tỉnh, buôn bán thời vụ tại nội thành thì có những quy định về quản lý người tạm cư. Với lao động thường trú, làm việc thường xuyên như công nhân, sinh viên… thì cần có các biện pháp di dời bớt các trường học, nhà máy, bệnh viện ra khỏi nội thành để dãn dân.

Ra chế tài để bảo vệ “sông Hồng, núi Tản”

Đó là trăn trở của ĐB Dương Trung Quốc. Ông cho rằng: “Gần như toàn bộ luật này chỉ quan tâm đến khu vực nội thành trong khi Hà Nội đã mở rộng rất nhiều ra ngoại thành. Bởi vậy, bên cạnh siết chặt quản lý nhập cư nội đô, cần có những chính sách để hướng sự cư trú của người dân ra không gian rộng lớn còn lại”.

Nên chọn lại biểu tượng của Hà Nội

ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho biết, khi thảo luận tổ, nhiều ĐB không hình dung được hình ảnh Khuê Văn Các - được dự thảo luật chọn làm biểu tượng của Hà Nội. Cũng rất ít ĐB biết được thông tin TP. Hà Nội đã tổ chức một cuộc thi rất công phu, nghiêm túc vào năm 1997 nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội và đã chọn được biểu tượng này cho Hà Nội. Vì vậy, trên nghị trường còn nhiều ý kiến đề nghị chọn lại biểu tượng của thủ đô.

Nông thôn và ngoại thành Hà Nội gắn với văn hóa xứ Đoài nhưng hầu như không được đề cập trong luật nên ĐB Dương Trung Quốc đề nghị có thêm các điều khoản, chế tài liên quan tới bảo vệ sông Hồng, núi Tản Viên.

“Nếu chúng ta không bảo vệ nó, nó sẽ trở thành một không gian để người ta có thể khai thác một cách hết sức bừa bãi đối với không gian linh thiêng này của Hà Nội” - ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Do chưa tính tới yếu tố “ngoại thành” nên Luật Thủ đô vẫn chưa làm rõ “hình hài” thủ đô trong tương lai, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lấy ví dụ:

“Tại khoản 2, Điều 9 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và lộ trình di dời một số công ty, bệnh viện… ra ngoại thành. “Một số” là bao nhiêu, thời gian nào, lộ trình thế nào, đến bao giờ mới xong quy hoạch chi tiết. Nếu chưa rõ thì dù luật được thông qua, các ĐB cũng không thể biết hình hài và tầm vóc của thủ đô ra sao”.

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên- Huế) cũng đề nghị Ban soạn thảo phải đính kèm bản đồ để minh họa rõ hơn các khái niệm về nội thành, ngoại thành, vùng thủ đô và cập nhật thông tin vùng thủ đô sẽ mở rộng tới tận Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình…

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Sẽ tăng tiêu cực về nhập hộ khẩu

Nếu chỉ đơn giản quản lý bằng siết hộ khẩu, hợp đồng lao động, diện tích nhà ở thì người muốn nhập cư vẫn có thể lách luật. Sẽ có những hợp đồng lao động giả, hợp đồng thuê nhà giả, thậm chí là hôn nhân giả để tìm cách nhập hộ khẩu vào thủ đô. Như vậy, tiêu cực trong nhập hộ khẩu sẽ tăng lên.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Cần có quy hoạch phát triển ngoại thành

Ngoại thành cũng có những vấn đề của ngoại thành như nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Vì vậy, cần có các quy định về quy hoạch và kế hoạch xây dựng, phát triển các vùng ngoại thành của Hà Nội.