Tập tục này đến giờ họ vẫn khăng khăng giữ, ngay cả khi các dịch vụ y tế đã về đến tận thôn, bản.
Trời sinh voi…
Để đến được nhà chị Già Thị Mỉ (thôn Cho Do, xã Cán Chu Phìn huyện Mèo Vạc), chúng tôi phải lội bộ qua quãng đường mòn hơn 5km, băng qua những chỏm đá vôi khấp khểnh. Ngôi nhà ẩm thấp nằm đằng sau ngọn núi, cách những nhà hàng xóm khác cả cây số.
Chị Già Thị Mỉ cùng các con. |
Đón chúng tôi là một người đàn bà có gương mặt già nua và 6 đứa trẻ con nheo nhóc. Hỏi ra mới biết, người đàn bà ấy chính là chị Già Thị Mỉ, mới 44 tuổi người dân tộc Mông và 6 đứa trẻ là con của chị.
Lấy chồng từ năm 20 tuổi, so với chị em cùng bản, chị Mỉ thuộc “diện” ế. Sau khi cưới, chị Mỉ đẻ “sòn sòn” liên tục 8 đứa (kể cả một đứa đã mất sau khi sinh). Cả 8 đứa con chị đều tự đẻ một mình tại nhà.
Chỉ Mỉ không biết nói tiếng Kinh, nên câu chuyện sinh đẻ của chị được một cán bộ y tế thôn bản phiên dịch lại : “Nhà người ta thì có mẹ chồng đỡ đẻ cho, nhưng nhà tao thì mẹ chồng chết lâu rồi, mẹ đẻ thì ở xa nên toàn phải tự đẻ thôi vì chồng cũng không biết đỡ. Chửa thì cứ đi làm nương rẫy bình thường, cũng chẳng nhớ con được bao nhiêu tháng đâu, làm đến khi nào đẻ thì đẻ”.
Khi được hỏi về việc xoay xở như thế nào khi đẻ một mình, chị Mỉ rụt rè kể: “Lúc nào thấy đau đau thì tự bò về nhà, lấy chổi quét sạch một góc bếp, trải một tấm nylon lên rồi nằm đó rặn. Khi nào đứa con ra thì lấy cái nứa đã chuẩn bị sẵn cắt dây rốn, lấy vải buộc đoạn rốn con lại, quấn con vào chăn, dọn dẹp chỗ đẻ rồi lên giường nằm nghỉ vài hôm là lại đi làm được à”.
Câu chuyện vượt cạn được kể khá nhẹ nhàng nhưng thực tế việc sinh con tại nhà đã khiến chị Mỉ phải trả giá bằng mạng sống của đứa con thứ 2 và sự dị tật của đứa con thứ 3.
Trong số 7 đứa trẻ may mắn sống sót qua những lần vượt cạn ấy, thì một đứa con gái mắc bệnh câm điếc bẩm sinh, lại ngớ ngẩn, năm nay đã 18 tuổi. Ấy vậy mà, khi đứa con gái đầu lấy chồng và sinh con, chị Mỉ vẫn đẻ thêm được một bé gái nữa. Đứa con út và cháu gọi nó bằng dì chỉ hơn nhau 2 tháng tuổi.
Lý do mà suốt 8 lần sinh nở, mặc dù đã được cán bộ y tế thôn, bản đến tận nhà vận động nhưng chị Mỉ vẫn quyết không xuống trạm xá sinh và quyết không đi đặt vòng “kế hoạch” chỉ đơn giản là:… “Xấu hổ lắm, phụ nữ Mông tao chẳng bao giờ để cho người lạ nhìn thấy đâu.
Phép vua thua lệ làng
Nói về chuyện phụ nữ Mông ở Hà Giang thà chết chứ không chịu ra trạm xá sinh con, ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Văn phòng Plan tại Hà Giang - người đã có gần chục năm lăn lộn gắn bó với công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng cao nơi đây - cho biết: “Chuyện sinh nở đối với phụ nữ Mông như là một điều gì… đáng xấu hổ lắm. Họ ít khi chia sẻ, hỏi han nhau kinh nghiệm. Trẻ có chết vì sinh tại nhà, họ cũng giấu, lặng lẽ chôn con rồi lại sinh tiếp.
Ông Nguyễn Chiến Thắng
Bác sĩ Trinh Thị Huyền – Phó trưởng khoa Sản- Bệnh viện Hà Giang khẳng định, lý do tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà ở Hà Giang vẫn cao không phải do thiếu phương tiện, đường sá khó khăn mà khó nhất là khó thay đổi tập quán của họ. Thường thì những ca đẻ được chuyển đến bệnh viện huyện, tỉnh đều trong tình trạng rất nguy cấp và tỷ lệ cứu được mẹ và con lúc ấy rất thấp.
Cũng theo bác sĩ Huyền, đội ngũ “bà mụ vườn” giàu kinh nghiệm ở các thôn bản đến nay đều cũng đã “tay già, chân chậm”. Họ chỉ có thể đỡ những ca đẻ dễ bằng kinh nghiệm, còn những ca chỉ bất thường một chút là nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.
Bác sĩ Huyền còn cảnh báo: “Không chỉ trong quá trình sinh, khi đứa trẻ ra đời, việc vệ sinh không an toàn cho cả mẹ và bé, dụng cụ bẩn gây nhiễm trùng rốn, băng huyết ở mẹ... cũng là những nguyên nhân dẫn đến tử vong”.
Hiện Hà Giang đang gấp rút thực hiện các chương trình đào tạo những “mụ vườn” trẻ. Tuy nhiên, con đường “chuyên nghiệp hóa” đội ngũ này vẫn còn lắm gian nan…
Nguyễn Thiêm