Ông Khăm Phết Lào - con trai thứ 10 của Ama Kông - cho biết: Ama Kông được gia đình đưa từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk về nhà chiều 2.11, đến rạng sáng hôm sau thì ông tạ thế. Ngày 5.11, bà con, thân hữu, chính quyền địa phương đến tiễn biệt ông, dừng lại thật lâu trước từng kỷ vật.
Có mặt trong đoàn thăm viếng, ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn - cho biết: “Chính quyền địa phương không tổ chức tang lễ cho cụ Ama Kông, vì tang lễ được tổ chức theo phong tục của đồng bào dân tộc bản địa. Tuy nhiên các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Đăk Lăk, huyện Buôn Đôn đã đến viếng cụ, chia buồn cùng gia đình”.
Chàng thợ săn dũng mãnh
Ama Kông tên thật là Y Prung Êban, còn Ama Kông là cách gọi theo phong tục địa phương - tức “bố của thằng Y Kông”. Theo hồ sơ căn cước thì ông sinh năm 1917, nhưng theo những người trong gia đình thì chính xác ông sinh ngày 28.1.1909 tại vùng Bản Đôn - nay là buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk.
Ama Kông là người dân tộc MNông, gốc ở Pắk Xế (Lào), gia đình ông đến Bản Đôn lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XIX, vì vậy ông còn có tên Lào là Khăm Poong. Từ giữa thế kỷ trước, chàng thợ săn Y Prung Êban đã nổi tiếng là người có sức khỏe phi thường, săn được nhiều voi, giàu có và rất... đa tình. Ông làm thợ phụ trong các đoàn săn của Khun Su Nốp - người được Nhà vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Vua săn voi - từ năm 13 tuổi.
Từ khi trở thành thợ chính vào năm 17 tuổi, Y Prung Êban liên tục tổ chức những chuyến săn kéo dài 20 - 30 ngày, sang tận vùng rừng Campuchia bắt voi. Và bao giờ cũng thế, khi tiếng tù và của Ama Kông vang lên, buôn làng biết chuyến săn của ông trở về thắng lợi - bắt được nhiều voi rừng.
Theo chiếc hũ hiện còn trong nhà Ama Kông, trong 70 năm săn bắt voi rừng, ông đã bắt và thuần dưỡng được tổng cộng 298 con voi. Đó là chiếc hũ có chứa 10 thanh gỗ, mỗi thanh dài 20cm, được vót tròn như chiếc đũa. Cứ mỗi con voi bắt được, người thợ săn lại khắc lên một thanh gỗ để làm dấu, đến khi bỏ nghề mới lấy ra kiểm đếm.
Ama Kông cũng từng đi săn với Vua Bảo Đại, từng tặng voi cho Nhà vua Thái Lan, Nhà vua Lào... Ngày 22.2.2008, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, vì có thành tích đóng góp voi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Y Kông - con trai cả của Ama Kông, năm nay 75 tuổi - cho biết: “Cha tôi rất muốn được bắt thêm 2 con nữa cho chẵn 300, nhưng năm 1985 Chính phủ có lệnh cấm săn voi rừng nên ông lui về nghỉ. Sau đó ông chuyển sang huấn luyện voi cho Vườn quốc gia Yók Đôn”. Với thành tích săn voi đó, Ama Kông được suy tôn là gru - dũng sĩ săn voi, Vua săn voi.
Giàu có và... đa tình
Ama Kông là người giàu có nhất vùng. Thời trai trẻ, ông xài tiền không tiếc tay. Ông từng bán voi mua xe Jeep, nhiều lần đi máy bay từ Buôn Ma Thuột vào Sài Gòn để... ăn chơi và đánh bạc.
Lại nữa, Ama Kông thạo chơi nhiều loại nhạc khí truyền thống của dân tộc mình, cả nhạc cụ của một số dân tộc khác ở Tây Nguyên. Và sự tài ba, giàu có, chất đa tình của chàng thợ săn dũng mãnh đã khiến nhiều người đẹp mê mệt.
Trong cuộc đời của mình, ông đã cưới chính thức 4 người vợ (trong đó một người kém ông 20 tuổi, một người kém ông 55 tuổi) và sinh được 21 người con (gồm 2 trai, 19 gái). Hiện số cháu, chắt của ông đã lên đến khoảng 200 người - sinh sống ở Tây Nguyên, Lào và cả Campuchia.
Ngoài sức khỏe hơn người, để đáp ứng được nhu cầu “yêu” của các bà vợ trẻ, Ama Kông còn có những bài thuốc chữa đau xương khớp, tăng cường sức khỏe, đặc biệt là bài thuốc tráng dương bổ thận nổi danh khắp thiên hạ.
Chuyện những bà vợ của Ama Kông
Năm 1941, sau khi vợ cả HNố - vốn người cùng huyết thống - mất do chứng hậu sản, ông lấy em gái của vợ là bà HHốt theo tục nối dây của người MNông. Năm 1973, khi bà HHốt vừa sinh con út, Ama Kông đưa HBiai - một cô gái xinh đẹp kém ông 20 tuổi - về xin cưới làm vợ ba. Mọi người phát hoảng khi thấy HBiai dẫn theo một con gái đã... 5 tuổi.
Bà HHốt không chấp nhận, Ama Kông phải giao lại toàn bộ gia sản, tay không sang nhà HBiai, rồi nhanh chóng giàu có lại nhờ săn bắt voi. 10 năm sau bà này qua đời, nhưng Ama Kông không quay lại với HHốt mà cưới tiếp một cô gái 25 tuổi - lúc này ông đã 80 tuổi. Đó là đám cưới có một không hai ở vùng Bản Đôn.
Kể từ đó, Ama Kông không còn săn bắt voi, ngày ngày vào rừng hái thuốc tráng dương bổ thận về phục vụ cô vợ HKhăm, cũng là cách duy nhất có tiền chăm lo cho người đẹp.
Đến năm 2007, do bất đồng ngày càng trầm trọng, Ama Kông và HKhăm đã ly hôn, sau đó ít lâu bà HKhăm chết. Trong dịp sinh nhật lần thứ 100 của Ama Kông năm 2008, bà vợ hai HHốt mới “tha thứ” cho ông, quay lại chung sống cho đến ngày ông mất.
Ông Khăm Phết Lào cho biết, ngày 8.11 tới đây, Ama Kông sẽ được an táng tại khu nghĩa địa buôn Trí A, bên cạnh ngôi mộ của người vợ cả HNố. Mộ “vua” dự kiến được xây dựng với trị khoảng 300 triệu đồng, trong đó có 4 nồi đồng, 4 cặp ngà voi, 4 con chim công bằng... gỗ quý.
Cuộc đời Ama Kông là một huyền thoại sống, một biểu tượng của Tây Nguyên, được kết tinh bởi đại ngàn hùng vĩ.
Đồng Nguyên