Dân Việt

8 thủy thủ tàu Saigon Queen đã về đến Việt Nam

06/11/2012 21:42 GMT+7
Dân Việt - Đến chiều tối 6.11, đã có 8 thuyền viên tàu Saigon Queen được cứu sống sau khi gặp tai nạn hôm 30.10 ở vùng biển Sri Lanka. Ngày mai, 7.11, 10 thuyền viên còn lại cũng được đưa về nước.

Sau khi các thuyền viên vừa xuống sân bay, đại diện của Công ty vận tải biển Sài Gòn đã đến đón ngay và không cho báo chí tiếp xúc với thuyền viên.

 img
 

Ông Lê Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty vận tải biển Sài Gòn cho biết, do yêu cầu của đơn vị bảo hiểm nên phía Công ty vận tải biển Sài Gòn không thể tạo điều kiện để báo chí tiếp xúc thuyền viên.

Sau khi về đến TP.HCM, các thuyền viên sẽ làm việc với đơn vị bảo hiểm. Sau đó, Công ty vận tải biển Sài Gòn sẽ tạo điều kiện cho các thuyền viên về quê thăm gia đình.

Trước mắt, Công ty Vận tải biển Sài Gòn hỗ trợ cho mỗi thuyền viên 3 triệu đồng để làm lộ phí đi lại. Riêng khoản tiền vé máy bay từ Bangladesh về đến Việt Nam đều do Công ty vận tải biển Sài Gòn lo. Đối với 4 thuyền viên hiện đang mất tích, đơn vị này vẫn đang phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm.

Trước đó, ngày 30.10, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) nhận được thông tin tàu Saigon Queen (dài 102 m, rộng 17 m, trọng tải 6.500 tấn) của Công ty vận tải biển Sài Gòn, với 22 thuyền viên, vận chuyển gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, báo nạn khẩn cấp tại vùng biển Sri Lanka.

 img
 

Vietnam MRCC đã liên lạc với tàu Saigon Queen nhưng không thể kết nối vì khu vực tàu này hoạt động thời tiết rất xấu, đang chịu ảnh hưởng của bão. Cơ quan này đã phát thông báo hàng hải khẩn cấp, sau đó, tàu Pacific Skipper (mang cờ Hy Lạp) đã cứu được 18/22 thuyền viên tàu Saigon Queen.

Năm 2005, Saigon Queen là tàu đầu tiên của SSC được đóng mới với tổng đầu tư 118 tỷ đồng. Thời điểm này, đây là con tàu có tải trọng lớn nhất được đóng ở phía Nam. Tháng 10.2008, sau 2,5 năm cho công ty của Đan Mạch thuê, "Nữ hoàng Sài Gòn" bắt đầu được SSC khai thác.

4 người mất tích là thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (1961), máy trưởng Hoang Van Ban (1954), thủy thủ trưởng Tran Van De (1958) và thợ máy Pham Phu Huu (1985).