Dân Việt

Nhiều vở hài kịch chẳng biết cười gì

08/03/2011 19:29 GMT+7
(Dân Việt) - "Gần đây, xuất hiện nhiều vở hài kịch mà cười xong người xem còn chẳng biết mình cười gì, ra khỏi rạp chiếu không hiểu mình đã xem gì", NSND Lê Hùng nói.

Tiếp tục chặng đường 10 năm mang tiếng cười đến khán giả, Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi Trẻ vừa ra mắt Chương trình "Đời cười 10", NTNN có cuộc trao đổi với đạo diễn NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát.

"Đời cười" ra mắt và đã tồn tại đến nay là 10 năm. Dẫu vậy, cái tên chương trình vẫn là dấu hỏi đối với nhiều người. Tại sao không phải là "Cười đời" hay "Cuộc đời đáng cười" thưa ông?

Ý nghĩa của cái tên tùy thuộc vào cách hiểu và cảm nhận của mỗi người thôi. Khi bạn là khán giả, lúc bạn ngồi xem, lẽ tất nhiên, những gì người nghệ sĩ phác họa ra với bạn sẽ là một bức tranh "Cuộc đời đáng cười" và hẳn rồi, những gì bạn cười đó là… cười đời.

Nhưng với những người nghệ sĩ, mọi thứ lại ngược lại, khi nhập vai, những gì chúng tôi tâm niệm, muốn gửi đến các bạn là: "Đấy! Đời đang cười đấy!". Vậy đời cười gì? Đời cười tất cả, cười chính con người đã tạo ra những tình huống hài ấy.

Theo ông điều gì đã tạo nên sức sống của "Đời cười" khi mà rất nhiều vở kịch ra đời thậm chí còn chẳng có người xem?

img Gần đây, xuất hiện nhiều vở hài kịch mà cười xong người xem còn chẳng biết mình cười gì, ra khỏi rạp chiếu không hiểu mình đã xem gì. Những vở như thế tồn tại lâu bền sao được. img

Chính sự quan tâm theo dõi, cổ vũ của người xem là nguồn động viên tinh thần cho anh em nghệ sĩ để rồi hết "Đời cười" này đến "Đời cười" khác ra đời. Sau vài ngày thông báo, Nhà hát Tuổi Trẻ đã bán hết vé cho 10 buổi diễn của "Đời cười 10".

Ông lấy ý tưởng, cảm hứng từ đâu để dựng lên các tiểu phẩm hài?

Hài kịch cũng giống như tất cả các hoạt động khác trong lĩnh vực nghệ thuật, mỗi tiểu phẩm ra đời đều mang theo một sứ mệnh riêng nhưng tựu trung đều phải phản ánh sự thật, đặc biệt là phê phán các mặt trái trong cuộc sống.

Vì vậy, mọi thứ diễn ra trong cuộc sống này đều có thể là đề tài, mang đến những cảm hứng cho người sáng tác. Chẳng hạn, ở VN thường xuyên xảy ra tình huống này: Khi tai nạn giao thông xảy ra, mọi người túm tụm lại, giúp thì không giúp đâu mà xem vì hiếu kỳ, tò mò làm tắc cả đường phố. Người bị tai nạn có khi không sao nhưng người đứng lại xem vì chen nhau mà bị đè đến gãy chân, bị móc túi…

Dưới con mắt của người trong nghề, chừng ấy thôi cũng đủ để tạo nên một tiểu phẩm rồi. Chỉ cần anh khéo léo gây dựng là những tình huống đáng cười xuất hiện ngay.

Cái khó để tạo ra tình huống gây cười đúng nghĩa ở mỗi vở hài kịch là gì ?

Tiếng cười ở đây phải là tiếng cười lành mạnh, không chút dung tục, không đến từ những hành động gượng ép. Quan trọng nhất, người xem cười rồi còn nhớ và sẽ nhớ mãi. Chẳng vậy mà ở mỗi tình huống hài đúng nghĩa, người ta cười… ra nước mắt. Không phải vì cười nhiều quá mà cười vì thấm thía, vì chua xót.

Gần đây, xuất hiện nhiều vở hài kịch mà cười xong người xem còn chẳng biết mình cười gì, ra khỏi rạp chiếu không hiểu mình đã xem gì. Những vở như thế tồn tại lâu bền sao được!

Hài hước "lên ngôi", sân khấu kịch VN đang ở giai đoạn nào trong sự phát triển của nó, theo ông?

Sự phát triển của sân khấu kịch cũng như một đời người. Đời người ta có lúc khỏe lúc ốm thì sân khấu kịch cũng vậy, có lúc mạnh lúc yếu. Ngày nay, sân khấu kịch phát triển theo nhiều hướng: Hướng tư nhân hóa, hướng xã hội hóa…

Trong số các đoàn kịch, có đoàn mạnh, có đoàn còn kém. Có những vở kịch người ta xếp hàng để mua vé xem nhưng cũng có những vở kịch quảng cáo mãi vẫn không ai đến. Vì vậy, nhận xét xem nền sân khấu kịch của chúng ta đang ở giai đoạn nào là một công việc khó.

Xin cảm ơn ông !