Hoa ra tận đầu các cành nhánh, hoa cây điều thụ phấn chéo nên đời con chủ yếu là con lai, đồng nghĩa với phân li và thoái hóa giống. Hoa đực nở vào lúc 9 - 10 giờ sáng. Hoa lưỡng tính nở vào 10 - 11 giờ.
Trồng điều tốt nhất thường là trên vùng đất thoát nước, đất pha cát, tầng canh tác sâu. Độ pH thích hợp khoảng 4,5 - 6,5 (đất chua đến chua nhẹ). Cây điều rất mẫn cảm với độ mặn, độ mặn từ 0,8 ppm trở lên là cây sinh trưởng phát triển kém, dẫn đến hiện tượng cây lùn, khó ra hoa.
Chăm sóc điều giai đoạn ra hoa kết trái sẽ quyết định năng suất vườn điều. |
Khoảng thời gian từ 15.2 đến 15.3 hàng năm là giai đoạn điều ra hoa và thụ phấn để tạo quả. Đây là giai đoạn rất quan trọng quyết định năng suất của một vườn điều. Điều có thể trổ hoa rất nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thì rất thấp, chỉ khoảng từ 5 – 10%. Nguyên nhân do điều có tỷ lệ hoa lưỡng tính thấp, thụ phấn chéo, hoa đực thường nở sớm hơn hoa lưỡng tính. Việc tăng tỷ lệ thụ phấn sẽ tăng số quả trên chùm hoa và nâng năng suất vườn điều. Do đó bón phân trong giai đoạn này sẽ giúp tăng thêm sức sống của hạt phấn, kéo dài sức sống hạt phấn, tăng thêm độ nhớt của nhụy hoa cái, từ đó tạo điều kiện thụ phấn thuận lợi hơn và tăng tỷ lệ đậu quả.
Muốn làm được như trên thì kể từ khi hoa mới nhú đến trước khi hoa nở cần phun xịt loại phân bón lá có tỷ lệ NPK = 3:1:1 (ví dụ: 30-10-10) và loại phân hay chế phẩm có chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng B&Ca. Để chống rụng hoa, rụng quả, cần phun xịt chế phẩm có chứa thêm chất điều hòa sinh trưởng NAA, GA3 + vi lượng (Zn, Mn). Nếu phun xịt phân bón hoặc chế phẩm sinh học vào lúc hoa bắt đầu nở thì nên xịt vào lúc từ 3 giờ chiều trở đi, vì buổi sáng từ 9 giờ đến 11 giờ là lúc hoa thụ phấn, nếu xịt sẽ làm giảm tỷ lệ đậu quả.
Trong giai đoạn nuôi trái (kể từ khi quả bằng hạt đậu xanh đến khi đạt tiêu chuẩn thu hoạch) cần chú ý bón phân theo nguyên tắc “4 đúng”, để chống rụng trái, giúp hạt và nhân điều đạt được thể tích, trọng lượng tối đa (đây cũng chính là yếu tố cấu thành năng suất quan trọng). Giai đoạn này cần bón phân có tỷ lệ NPK = 2:1:2 + T.E (ví dụ: Phân NPK 16-8-16 + TE) với liều lượng từ 0,5 – 1,0kg mỗi gốc. Cần xịt thêm phân bón lá theo quy cách: Giai đoạn quả còn nhỏ thì xịt loại phân 30-10-10, khi quả bằng hạt bắp thì xịt loại HK 7-5-44 +TE.
Giai đoạn ra hoa và nuôi trái cần lưu ý phòng trừ bọ xít muỗi và bệnh thán thư là 2 đối tượng tấn công vào hoa và trái non làm thiệt hại khá trầm trọng đến năng suất.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường phía Nam)