Ngôi làng nhỏ Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, Bắc Ninh có 7 người đi lao động ở Libya mới trở về. Họ đã cùng nhau nếm trải những khốn khó nơi đất khách quê người, cùng nhau hoang hoải giấc mơ hồi hương, rồi cùng nhau thỏa nguyện khi cùng được đặt chân lên máy bay về nước. Giờ đây, họ lại cùng nhau nếm trải sự bải hoải, chán chường, mệt mỏi, và... đói của kẻ thất nghiệp.
Tôi có chút dè dặt khi bước chân vào ngôi nhà cấp 4, chỉ bởi một lí do duy nhất là sợ... chó. Nhưng ngôi nhà này im ắng một cách khác thường. Sau một hồi lưỡng lự, rồi tôi cũng bước vào. Trong nhà tối om, dù mới có 3h chiều. Bỗng nhiên tôi giật bắn mình, lù lù một cha, một con ngồi thu lu trong góc nhà đột ngột lên tiếng. Tôi hỏi: Phải anh vừa từ Libya trở về không? Trả lời: Phải. Mời chị ngồi.
Tôi tự đặt mình vào chiếc ghế nhựa màu đỏ, có lẽ là vật hào nhoáng và tinh tươm nhất trong căn nhà.
Cha và con thu lu trong góc nhà với đậu phụ chua, nước mắm mặn, nợ treo trên đầu chưa biết trả bằng gì |
Một lát, tôi lại gần hai cha con anh Thắng. Một cái nồi cơm điện bong tróc, nắp đi đằng nắp, nồi đi đằng nồi. Nắp dựng bên cạnh tường, còn trong nồi cơm, một bát đậu phụ và một bát nhỏ nước mắm bốc mùi vừa mặn, vừa chua. Đứa bé cứ oặt đi, không chịu ăn miếng đậu phụ ỉu xìu. Tôi bỗng dưng phát bực, gắt lên: Nó bé tí thế ăn làm sao được đậu phụ chấm nước mắm mà cứ bắt nó ăn. Bất ngờ vì bị... mắng, Thắng ngước nhìn tôi, đôi mắt bỗng dưng ầng ậng nước.
Chưa có chiến sự: Đói
Một lát thì Nguyễn Đức Công và Lê Văn Nhất, "đồng đội" của Thắng cũng tới. Có lẽ, từ Đói được những người này nhắc đi nhắc lại với nỗi kinh hoàng nhiều nhất. Tất nhiên, tôi không tránh khỏi ngạc nhiên, khi từ này được nhắc đến khi họ kể về những tháng ngày bình yên, khi chưa có chiến sự ở Libya.
Công dí dỏm: Sáng nào bọn em cũng được hưởng... trứng. Khổ nỗi, đầu bếp nước ngoài không biết chế biến trứng thành nhiều món khác nhau như ở nhà mình, thành ra sáng nào, cũng là trứng sốt. Không gì khác, ngoài trứng sốt. Cuối cùng thì bọn em phát sốt lên vì trứng. Sáng ra, cứ nhìn thấy trứng sốt, là gai hết cả người. Mấy anh em đành nhịn đói đi làm.
Đề nghị mãi, rồi họ cũng đồng ý cho đổi đầu bếp người Việt. Từ đó, được giã từ món trứng sốt. Chỉ có điều, ròng rã mấy tháng trời, sáng nào cũng trứng, trứng và trứng. Nhưng đã là trứng ốp, trứng rán, trứng luộc thay cho món trứng cứ đảo loạn xạ lên.
Nguyễn Đức Thắng thất thần trong căn nhà lở loét với mối nợ chồng chất và 1 tháng lương chưa lấy được ở Libya |
Cơn đói rau cũng khủng khiếp không kém. 63 người Việt, được có một, hai cây bắp cải thái chỉ ra để nấu canh, khoắng nồi canh mỗi đứa chỉ được có một... sợi rau. Hôm nào "hoành tráng" lắm, thì được hẳn... 3 cây, mặt mũi ai cũng hớn hở, vì hôm đó có nhiều nguyên liệu thì được ăn rau xào.
Chiến sự: Cực đói
Cả ba người trước mặt tôi đều có chung một ánh mắt mơ màng và những lời nói trìu mến khi nhắc tới một chiếc xe máy họ đã nhìn thấy ở nước bạn xa xôi. Nơi họ làm việc là một nhà máy nhiệt điện nằm trong vùng sa mạc. Mỗi khi "có điều kiện" (điều kiện là do họ phải tự tạo ra bằng cách góp tiền đi taxi), họ lại đi vào thị trấn cách nơi làm việc chừng 25km. Thị trấn toàn ô tô tham gia giao thông, nhưng bỗng nhiên, họ nhìn thấy một chiếc xe máy. Nỗi nhớ nhà ngùn ngụt dâng tràn.
"Ở nhà mình, xe máy nhiều như... kiến. Thế mà sang đây, cũng chỉ duy nhất một lần nhìn thấy xe máy, mà cũng chỉ nhìn thấy có một chiếc duy nhất mà thôi. Xe máy làm bọn em nhớ Việt Nam kinh khủng" - Lê Văn Nhất thủ thỉ.
Điều hỉ hả nhất của cả ba người này, ấy là ngày 15.2.2011, họ đã gửi trót lọt tiền lương về cho gia đình bằng dịch vụ chuyển tiền nhanh. Tôi hỏi sao lại phải chuyển tiền bằng dịch vụ, cả ba đều lắc đầu: "Lúc đầu mới sang, công ty yêu cầu bọn em lập tài khoản tại Việt Nam, sau đó chuyển tiền lương vào tài khoản đó. Nhưng cứ bị cắt 50 - 77 đô không rõ lí do. Chị bảo được có tí tiền gửi về nhà, lại bị cắt hơn triệu bạc như thế thì chết à? Bọn em đi gửi tiền ở thị trấn vừa nhanh vừa không bị "cấu".
Ngày 17.2, những người Việt ở Libya phong thanh biết tình hình có thể có chiến sự. Mọi người bắt đầu đổ xô xuống căng - tin xếp hàng dài dằng dặc mua nước và lương thực tích trữ, chủ yếu là mua bánh quy vì ngoài bánh quy ra, cũng chẳng còn gì. Sau đó, thì nước, và bánh quy cũng chẳng còn có mà mua.
"Đến ngày 19.2, khoảng 2 - 3h chiều, khi đứng làm việc trên cao, thì bọn em nhìn thấy đoàn người biểu tình trên mấy chục chiếc xe cách khoảng 200m, lúc này, mới bắt đầu tin là thật sự có chiến sự. Công ty vẫn bắt phải làm việc, nhưng công nhân tất cả các nước đều đồng lòng phản đối. Cuối cùng, công ty họp bàn và cho nghỉ.
Đêm 19, nghe tiếng súng nổ, công nhân người Bangladesh chạy tán loạn ra khỏi nơi ở, công nhân Việt hóa ra lại gan nhất, hô nhau chuẩn bị tư trang, lương thực, bảo nhau phải đoàn kết, không được rời đoàn, không được bỏ nhau. Lúc này, công nhân Việt lấy giấy bút ra ghi số điện thoại, địa chỉ gia đình ở Việt Nam cho nhau, bảo: đứa nào còn sống, nhất định phải tìm về báo tin cho gia đình những đứa chết. Tiếng súng làm hoảng loạn, nhưng lại làm gia tăng tinh thần đoàn kết cho 63 công nhân người Việt nơi đây. Cũng có người, nghe tiếng súng, sợ quá, đến bấn loạn, quên cả tên bạn cùng phòng, cứ lắp bắp hỏi đi hỏi lại: mày tên là gì, dù ở chung phòng ngày nào cũng gọi tên nhau.
Từ ngày 20.2, không có thức ăn, nhà bếp còn gì, họ đem phát cả. Đói quá, đói đến mức không còn sức để kêu đói. Có miếng cháy, đem đổ nước lã vào rồi chia nhau.
Điện thoại không gọi được, bấm cả chục nghìn cú điện thoại một ngày mà họa hoằn lắm mới được một cuộc. Đến đêm 26, khi đặt chân lên ô tô, ai nấy đều bảo nhau: Thế là sống rồi. Nhưng đi được chừng 2 - 3km, lại phải quay về, lại tràn trề thất vọng. Cơn đói lại hoành hành, toàn thân run lên vì đói, mồ hôi túa ra, đầu óc quay cuồng, mắt không còn nhìn được gì nữa" - Nguyễn Đức Công kể.
May sao, đến rạng sáng 27 thì được đi thật. Sang đến Ai Cập, biết là sống thật rồi, nhưng vẫn đói đến mức không thể mừng vui. Đến 3h chiều, có người Việt mang bánh mì cho ăn. Mấy đứa cấu véo chia nhau một chiếc bánh mì bé tẻo, nhưng vẫn chia cho cả công nhân người Philippines, nhìn họ người to đùng, đói lả, mà tội quá. Họ cảm động, cứ nói cảm ơn, cảm ơn ríu rít.
Vợ Thắng hí húi thái nửa cây bắp cải cho bữa cơm chiều |
Nguyễn Đức Thắng bảo: Công ty Hàn Quốc, đơn vị thuê mình làm việc ở Libya cũng tốt, họ hết lòng lo cho anh em công nhân, sang đến Ai Cập cũng còn cho bánh mỳ để ăn cầm hơi. Rồi người của Đại sứ quán Việt Nam cũng long sòng sọc lên lo lắng, chạy ngược chạy xuôi lo cho anh em, rồi không biết bao nhiêu người dân trong nước lo lắng cho chúng tôi, chúng tôi mới an toàn được về với gia đình, chứ không thì không biết giờ này ra sao. Lúc khốn khó, mới thấy tình người đã giúp mình sống.
Lúc tôi tạm biệt, thấy vợ anh Thắng hí húi thái nửa cây bắp cải cho bữa cơm chiều bên bờ giếng, chợt thấm thía từ "Đói".