Dân Việt

Sẽ giảm ngay số đại biểu là chủ tịch tỉnh

09/03/2011 06:23 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khi trao đổi với phóng viên NTNN về vấn đề cơ cấu đại biểu trong Quốc hội khóa tới.

Về thành phần, cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng phải giảm số ghế dành cho các đại biểu thuộc cơ quan hành pháp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tại Hội nghị Hiệp thương vừa qua, vấn đề này đã được đặt ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích rõ ràng, đã có tính toán cụ thể để số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp vừa đủ trong Quốc hội, để có tiếng nói thực tiễn góp phần bàn về những vấn đề lớn của đất nước. Riêng số lượng đại biểu là chủ tịch tỉnh thì đã thống nhất quan điểm là giảm ngay trong dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng của các tỉnh trực thuộc trung ương.

Thưa ông, vì sao chúng ta luôn phải đặt ra vấn đề tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng?

Trong cơ cấu của đại biểu Quốc hội có 3 loại cơ cấu: Cơ cấu định hướng (cơ cấu cứng), cơ cấu hướng dẫn (cơ cấu giao quyền cho địa phương) và cơ cấu kết hợp (dân tộc thiểu số, phụ nữ, tuổi trẻ, tái cử…). Trong cơ cấu kết hợp thì chỉ tiêu ngoài Đảng là một trong những chỉ tiêu bắt buộc, thể hiện sự dân chủ trong hoạt động bầu cử. Nếu không đưa chỉ tiêu người ngoài Đảng vào thành một chỉ tiêu của cơ cấu kết hợp thì nhiều địa phương có xu hướng chỉ chọn những đại biểu ứng cử là đảng viên.

img
Đại biểu Quốc hội khóa XII thảo luận tại hội trường.

Trong các khóa Quốc hội vừa qua, người dân thấy rất nhiều các vị vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là thành viên Chính phủ hoặc chủ tịch tỉnh. Đối với các đại biểu này, liệu chức năng lập pháp và hành pháp có bị lẫn lộn?

Cũng có nhiều ý kiến lo ngại dễ dẫn đến tình trạng các đại biểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Tuy nhiên, tôi cho rằng không hẳn như vậy vì Quốc hội hoạt động theo luật, có nội quy kỳ họp rõ ràng, nên không thể có chuyện đại biểu khối hành pháp "ép" Quốc hội để đưa ra những yêu cầu có lợi cho lĩnh vực của mình. Cá nhân tôi đã theo dõi và tham gia các kỳ họp Quốc hội, tôi thấy không có chuyện đó xảy ra.

Vậy liệu chúng ta có cần lộ trình để tăng dần số đại biểu Quốc hội chuyên trách?

Mặc dù chưa có lộ trình tăng dần số đại biểu Quốc hội chuyên trách vì đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã có, tuy nhiên xu hướng tăng là thấy rõ. So với khóa trước thì khóa XIII số lượng đại biểu chuyên trách sẽ tăng từ hơn 20% lên 33% (tương đương với 165 đại biểu).

Xin cảm ơn ông!