Dân Việt

Nhiều hộ nuôi thủy sản “treo ao”

10/03/2011 15:54 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Nghĩa Hưng, Nam Định lại thêm một lần nữa đối mặt với tình trạng trắng tay, nợ nần vì hậu... cá chết rét.

Nếu vào dịp này năm ngoái, dọc khu đông và tây Nam Điền đã tấp nập cảnh thu hoạch của các chủ đầm cá, đầm tôm và mua bán của các thương lái, thì năm nay, những đầm nuôi cá lại "vắng như chùa Bà Đanh". Đưa chúng tôi ra cánh đồng cá, anh Trịnh Tiến Dũng (xóm 4, xã Nghĩa Phúc) ngao ngán: "Có lẽ vợ chồng tôi đành phải chuyển qua làm muối kiếm sống".

img
Anh Thắng phải chôn hàng chục hố cá sau vườn.

Với 1,2ha diện tích mặt đầm, hồi đầu vụ, anh đầu tư gần 1.000 con cá vược giống, với số tiền 80 triệu đồng. Theo tính toán, nếu thuận buồm xuôi gió, cuối vụ thu hoạch sẽ thu khoảng 100 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã khiến cá chết trắng đầm. "Vợ chồng tôi đã phải đốt lửa, che bạt giữ ấm để cứu cá, nhưng rốt cuộc cả tấn cá vược đến kỳ thu hoạch vẫn chết"- anh Dũng xót xa.

Riêng các xã vùng ven biển có khoảng gần 300 hộ dân thế chấp sổ đỏ để làm đầm, cá biệt có hộ vay tới 1 tỷ đồng. Dù bị thất thu, nhưng khi tới hạn người dân cũng vẫn phải trả nợ ngân hàng.

Ở Nghĩa Hưng, từ những năm 1990, nghề nuôi cá bống bớp, tôm sú… đã bắt đầu phát triển. Không ít gia đình huyện ven biển này khá giả nhờ nghề, nhưng giờ cũng không ít người phải chịu cảnh trắng tay. Anh Nguyễn Xuân Kiên, một chủ nuôi cá bống bớp và tôm sú ở thị trấn Rạng Đông cho biết: "Do thời tiết quá lạnh trong thời gian qua, đầm nuôi nông nên cá chết hàng loạt không kịp trở tay.

Ông Kim Văn Thiều, 51 tuổi ở xã Nghĩa Thắng, là một trong những người nuôi bống bớp đầu tiên ở vùng đất này nhưng sau mấy năm thất bát, bây giờ ông trở lại nghề trồng… dưa. Còn anh Trần Văn Thập, một ông chủ đầm cá có tiếng ở đất Nghĩa Hưng thẫn thờ: "Canh bạc tôi đánh với ông trời lần này thua thật rồi". Khu vực đầm cá của anh Thập rộng 5ha, do 3 người anh em chung vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Năm nay anh Thập mới thu hoạch được gần 100 triệu đồng, chỉ đủ bù lại tiền thức ăn cho cá.

Suốt dọc con đê Nông Trường - Nam Điền, hai bên san sát ao đầm, nhưng hiện cũng đều trơ đáy, vắng bóng người. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng, huyện có hàng nghìn ha mặt nước nuôi trồng thuỷ hải sản, trong đó chủ yếu là thủy sản nước mặn. Riêng ở vùng trọng điểm đông Nam Điền, diện tích khoảng 500ha, với khoảng 500 hộ gia đình và 7 doanh nghiệp tham gia nuôi thả, trong đợt rét đậm này có đến 90% chủ đầm có cá chết, thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.