Vay tiền mua vàng trả nợ
Hàng tháng, bà Nguyễn Thị Minh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) tiết kiệm để mua từng chỉ vàng đi trả nợ. Vào dịp áp Tết vừa rồi, khi căn nhà 2 tầng của bà Minh xây xong thì cũng đúng lúc cạn tiền.
Nông dân một số địa phương của Quảng Nam gặp khó khăn về thủ tục khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. |
“Tôi tới ngân hàng vay nhưng hầu hết các điểm giao dịch đều nói không giải ngân nữa nên đành tìm cách vay lãi ngoài. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không cho vay tiền mà phải vay bằng vàng nên tôi vay được 4 cây từ lúc vàng 35 triệu đồng/cây. Nhìn giá vàng leo thang mà sốt hết cả ruột. Tôi muốn “cắm” sổ đỏ vay ngân hàng để mua vàng đáo nợ nhưng các ngân hàng chưa có kế hoạch giải ngân” - bà Minh nói.
Cũng ở hoàn cảnh như bà Minh, anh Nguyễn Văn Cường ở Gia Lộc (Hải Dương) đang phải ôm món nợ chưa biết ngày nào trả được. “Từ khi vợ tôi phải chạy thận (điều trị suy thận bằng cách lọc máu hàng tuần), toàn bộ gia sản trong nhà cứ dần dần “đi theo” nên chẳng còn cách nào khác là phải đi vay nặng lãi. Lúc đầu vay tiền, sau người ta chỉ cho vay vàng, tôi vay lúc vài chỉ một từ khi vàng 32 triệu đồng/cây, giờ đã tăng gần 3 cây vàng, chẳng biết làm gì để trả nợ.
Nghị định 41 quy định, tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các ngân hàng thường hướng “ưu tiên” cho khách hàng lớn, có uy tín, việc các cá nhân đi vay bằng tín chấp ở ngân hàng hầu như chưa có địa phương nào triển khai rộng rãi, khách hàng là cá nhân dù có cả thế chấp cũng rất khó vay được vốn.
Chủ trang trại muốn vay thế chấp: Quá khó!
Không chỉ có những cá nhân, ngay cả chủ trang trại có uy tín và các hộ sản xuất kinh doanh thì số lượng vay được vốn theo hình thức tín chấp cũng rất khiêm tốn. Cộng thêm những quy định phải trả hết nợ cũ mới được vay mới, hiện các chủ trang trại cũng đang rơi vào tình trạng “khát vốn”.
“Tôi mang cả 2 sổ đỏ đi cắm cũng chỉ vay được 100 triệu đồng, bây giờ muốn vay tiếp thì ngân hàng bảo phải trả hết nợ cũ. Con trai tôi mang sổ đỏ đi vay nhưng chưa vay được vì ngân hàng bảo chưa có kế hoạch giải ngân năm mới” - ông Nguyễn Văn Báu - chủ trang trại ở Văn Giang (Hưng Yên) nói.
Theo ông Đàm Mạnh Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), trên địa bàn xã có rất nhiều cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại cần vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây cảnh. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn, ngoài Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu như họ không thể tiếp cận được vốn từ ngân hàng khác.
Theo Điều 8 của Nghị định 41 về cơ chế bảo đảm tiền vay, khách hàng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tối đa đến 50 triệu đồng; hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn tối đa là 200 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Tuy nhiên, chỉ một số lượng ít HTX và chủ trang trại có uy tín vay được khoản tiền nhỏ theo tín chấp, còn lại vẫn phải vay vốn theo thế chấp.
Thanh Xuân
Quảng Nam: Chưa ND nào vay được vài trăm triệu đồng
Để vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng phát triển trang trại chăn nuôi hộ gia đình, nông dân phải xây dựng một mô hình kinh tế bài bản thuyết phục được cán bộ tín dụng thì mới được vay. Thêm vào đó là các thủ tục hành chính rườm rà, quy định quá nhiêu khê, nông dân khó đáp ứng. Đến nay, nhiều Ngân hàng NNPTNT ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa cho khách hàng nào vay với số tiền vài trăm triệu đồng. (Thu Nguyệt)