Dân Việt

Người xây tổ ấm - Không phải tai nạn nghề nghiệp

10/03/2011 12:17 GMT+7
(Dân Việt) - "Nếu nói nhẹ nhàng là họ phải rút kinh nghiệm bài học xương máu về mặt nghề nghiệp" - TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học nói về vụ "cô Lượm" trên chương trình "Người xây tổ ấm".

Ông có ý kiến gì khi Chương trình "Người xây tổ ấm" đã thiếu một lời xin lỗi trực tiếp tới khán giả?

- Thực ra lời giải trình của nhà báo Kim Ngân tối 8.3 đã hàm nghĩa xin lỗi, nhưng xin lỗi ở thế "trên cơ". Tôi nghĩ họ có cái kiêu hãnh nghề nghiệp của họ nên không nói thẳng điều đó ra, nhưng với tất cả ý tình, ngữ nghĩa thì đấy là lời xin lỗi.

Tuy nhiên, cũng cần đề cập đến điều khoản quy định về việc một tờ báo in, báo viết hoặc báo hình sau khi đăng tải thông tin vô trách nhiệm hay có sai sót, thì nếu lời cải chính quá bé hoặc ở vị trí không tương xứng với bài báo trước đó đã đăng thì vẫn là vi phạm nguyên tắc chuẩn mực. Thường người ta phải nói là "cải chính" chứ không dùng "nói lại cho rõ".

Theo ông, trong sự việc này lỗi của các bên như thế nào?

- Ở đây, lỗi của những người làm truyền hình là đã thiếu sự trung thực. Nghề báo cần nhất sự trung thực. Những thể loại văn thơ sáng tác có thể "bịa" được, nhưng viết ký sự, phóng sự, tùy bút chính luận là phải thật. Tác phẩm truyền hình đó cần và phải nói lên câu chuyện người thật, việc thật một cách rõ ràng, rành rẽ chứ không thể bịa đặt được.

Dù sao đây cũng là sự việc đáng tiếc của Truyền hình VN. Còn nhân vật chủ chốt trong câu chuyện này là Trần Thị Thùy Dương rõ ràng phải chịu trách nhiệm về mặt đạo lý, luật pháp, tâm lý, tình cảm, chịu đựng sự bức xúc của cả cộng đồng - những người đã bị cô chà đạp lên nỗi xúc động của họ.

BTV Kim Ngân có ý rằng vụ việc này là một tai nạn nghề nghiệp. Ông có đồng tình đây là một tai nạn nghề nghiệp của những người làm truyền hình?

- Đây không phải là tai nạn nghề nghiệp. Tai nạn nghề nghiệp là run rủi tình cờ gặp phải. Còn ở đây có những vấn đề rất sơ đẳng về mặt nghề nghiệp xung quanh câu chuyện người thật, việc thật này mà họ đã cố tình bỏ qua, như phải có bằng chứng, phải có giá trị pháp lý, sự hiện diện của nhà chức trách, chính quyền cơ sở, tổ dân phố…

Nếu nói nhẹ nhàng là họ phải rút kinh nghiệm bài học xương máu về mặt nghề nghiệp. Tôi không kỳ thị gì vì tôi là chuyên gia thường xuyên tư vấn cho họ các chương trình, nhưng nếu ở ngoài bình luận vào, tôi cho rằng đây còn hơn cả câu chuyện tai nạn nghề nghiệp. Đây là họ đã vi phạm những nguyên tắc nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông!