Dân Việt

Nỗ lực để công chúng yêu nhạc cổ điển

10/03/2011 17:00 GMT+7
Dân Việt - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ rằng chàng trai trẻ giản dị Trần Quang Duy này là một nghệ sĩ violin tài năng. Nhưng niềm đam mê với âm nhạc của Duy đã bộc lộ rõ nét chỉ qua một cuộc trò chuyện ngắn với Dân Việt.

Vào 20 giờ ngày 11.3 tại Nhà Hát lớn Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc “Giai điệu mùa xuân” – một chương trình solo của nghệ sĩ violin Trần Quang Duy – chàng trai sinh năm 1986 khá có duyên với các giải thưởng. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chủ nhân đêm nhạc này.

img
Nghệ sĩ violin Trần Quang Duy

Là chương trình solo violin đầu tiên của Trần Quang Duy, hẳn là “Giai điệu mùa xuân” mang một ý nghĩ đặc biệt với bạn?

- Đối với một nghệ sĩ cổ điển, để được trình diễn solo là rất khó. Và qua chương trình solo, người nghệ sĩ sẽ có dịp để khẳng định về cả một quá trình nỗ lực theo đuổi dòng nhạc cổ điển. Với một người nghệ sĩ bất kỳ, khả năng chỉ có thể bộc lộ thông qua các tác phẩm trình diễn. Dù tên tuổi có nổi tiếng đến đâu mà không có hòa nhạc thì không thể gợi được một miền âm thanh trong ký ức của mỗi khán giả.

Trần Quang Duy - giải nhất violin tại cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ Concours (2007), giải nhất tại cuộc thi “Asean International Concert Competition” Jakarta, Indonesia (2009), được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu gương mặt trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc (2009), được thành đoàn TP.Hà Nội trao danh hiệu gương mặt trẻ Thủ đô (2009). Trần Quang Duy cũng là đại biểu chính thức tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Với ý nghĩ như vậy, nên tôi sẽ cố gắng cống hiến cho khán giả những tác phẩm cổ điển mà khán giả Việt Nam ít có cơ hội được thưởng thức. Nói tóm lại, đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường âm nhạc vốn đã không thênh thang do thị trường không đáp ứng của mình.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng chương trình này cũng như là sự tổng kết quá trình học tập gần 15 năm của mình, từ sơ cấp cho đến đại học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Và như vậy có thể nói chương trình là một sản phẩm“Made in Vietnam”?

- Đây cũng là điều Duy muốn khẳng định. Nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng học nhạc cổ điển thì phải ra nước ngoài học thì mới giỏi được. Qua chương trình, Duy muốn người ta thay đổi cách nhìn về chất lượng đào tạo của Việt Nam. Nếu học ở Việt Nam nhưng có cơ hội được cọ xát với bạn bè các nước thì khả năng thành công là không nhỏ.

Tôi là người may mắn vì đã có dịp tham gia vào Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á và Dàn nhạc trẻ châu Á. Khi đó chúng tôi làm việc với những chỉ huy dàn nhạc và các thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau và tôi tự tin khi tham gia trình tấu.

Với chương trình có nhiều ý nghĩ như vậy, chắc hẳn Duy đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, tâm huyết?

- Đây là chương trình Duy đã “thai nghén” từ cách đây hơn ba tháng và đã hai lần bị lỡ hẹn vì các lý do khách quan. Để có được một chương trình thành công, Duy đã phải tập luyện hàng tháng trời. Việc tập luyện cũng phải đòi hỏi sự tỉ mỉ đến mức hoàn hảo trong từng nốt nhạc.

img
Trần Quang Duy đòi hỏi sự tỉ mỉ đến mức hoàn hảo trong từng nốt nhạc

Bên cạnh đó, việc duy trì cảm xúc là vô cùng quan trọng. Mặc dù khi biểu diễn, người nghệ sĩ không được quá cảm xúc vì dễ mất tập trung. Tuy nhiên, tôi đã bị “lệ thuộc” vào cây đàn violin đến mức có những tình cảm, suy nghĩ mà tôi chỉ có thể diễn đạt bằng tiếng đàn mà thôi.

Thông thường các nghệ sĩ khi tổ chức các chương trình biểu diễn thường rất hay “kể khổ”…

- Các nghệ sĩ sẽ không bao giờ coi việc tập luyện cho một chương trình là nỗi khổ khi họ đã đam mê âm nhạc. Duy cũng vậy. Bao nhiêu năm nay, tôi đã quen với lịch tập luyện nghiêm khắc mà Giáo sư Ngô Văn Thành - người đã theo tôi trong suốt quá trình theo đuổi nhạc cổ điển, đề ra.

Được làm một nghệ sĩ solo và được tập luyện với một dàn nhạc giao hưởng phải nói là một hạnh phúc. Nhưng quả thực, nếu như tôi không có sự giúp đỡ từ bạn bè, những người thân yêu trong việc tìm nhà tài trợ tổ chức đêm nhạc v.v… thì quả thực tôi không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của sự tập luyện.

Với một chương trình có những tác phẩm khí nhạc kinh điển (Voice of the Spring, Radesky March…) vốn đã quen thuộc trong các chương trình hòa nhạc chào xuân trên khắp thế giới, Duy có gặp khó khăn trong việc mang sự mới mẻ đến với công chúng?

- Điều đó chắc để công chúng tự nhận xét sẽ hợp lý hơn. Sự mới mẻ ở đây hoàn toàn nằm trong sự cảm nhận về âm thanh của mỗi người nghệ sĩ, mỗi tác giả chứ gần như không có sự gán ghép về việc thật sự phải giống ai. Duy chỉ quan tâm đến việc làm sao mình biểu diễn cho thật chỉn chu.

Bên cạnh đó, Duy cũng hy vọng rằng chương trình hòa nhạc “Giai điệu mùa xuân” cùng với những chương trình hòa nhạc cổ điển khác, dù chưa thật nhiều, nhưng cũng sẽ dành được ngày càng nhiều sự yêu mến của lớp công chúng mới đối với âm nhạc bác học.

Cảm ơn Trần Quang Duy và hy vọng bạn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên bước đường nghệ thuật của mình.

Khách mời trong chương trình solo của Trần Quang Duy còn có những tên tuổi lớn của âm nhạc cổ điển Việt Nam như nghệ sĩ Trần Vương Thạch, nghệ sĩ Lan Anh (Soprano), Phúc Tiệp (Baritone) cùng Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội.

Buổi hòa nhạc sẽ mang đến khán giả Thủ đô các bản nhạc: Tiếng hát mùa Xuân (J.Strauss); Hungari dance No.5 (J.Brahms); Concerto số 1 cho Violin và Dàn nhạc (M. Bruch); Gipsy Air (P.Sarazate)...

Đặc biệt, toàn bộ số tiền bán vé sẽ được chuyển vào Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ của Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.