Đó là tình hình thực tế hiện nay tại các tỉnh miền Trung, điển hình là Quảng Nam. Ít người bỏ nghề đi biển vì giá xăng dầu tăng, đa số ngư dân vẫn ra khơi. Mỗi chuyến đi chi phí cao hơn nhiều, rủi ro thua lỗ cũng tăng thêm, nhưng họ vẫn bám biển.
Họ bám biển trước hết là vì cuộc sống của chính họ, bỏ nghề biển thì không biết làm gì để lo toan cơm áo cho gia đình. Họ bám biển vì cuộc sống của họ đã gắn liền với biển, cha ông, dòng họ bao đời sống chết với biển. Họ bám biển vì VN có trên 3.200km bờ biển, phải có những con người ra khơi mang nguồn lợi vô tận về cho đất nước.
Nhưng họ còn mang sứ mệnh công dân cao hơn, đó là làm những cột mốc sống chủ quyền của VN trên biển Đông. Ngư dân bám biển thì người dân cả nước có thực phẩm để ăn, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nguyên liệu để chế biến sản xuất và xuất khẩu, đất nước thu được nguồn lợi từ đồng thuế, xã hội có thêm được nhiều việc làm, thế giới biết được ngư trường, lãnh hải của VN.
Ngư dân ngày càng phải đánh bắt xa bờ vì nguồn hải sản bị cạn kiệt, cho nên khó khăn càng nhiều hơn. Những nguy hiểm luôn rình rập, ngoài thiên tai còn nhân tai, các vụ tàu lạ đâm, ngư dân bị bắt đòi tiền chuộc luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi giăng buồm ra khơi. Cho nên họ phải được hỗ trợ, bảo vệ để đi biển an toàn, hạn chế rủi ro.
Hỗ trợ cho ngư dân đầu tiên là công tác dự báo thời tiết, trang bị máy móc kỹ thuật, tổ chức tốt các đội cứu hộ cứu nạn để giúp đỡ ngư dân kịp thời khi có những sự cố xảy ra. Đối với những trường hợp bị thất bát do thiên tai, do bị tàu lạ tấn công, do bị bắt đòi tiền chuộc, có thể khoanh nợ, cho vay để họ tiếp tục bám biển.
Nhưng việc giúp đỡ sau khi bị nạn dù tích cực vẫn là thiệt hại quá lớn cho ngư dân, điều quan trọng là làm sao đề phòng, ngăn chặn. Ví dụ như công tác dự báo, phải đưa ra thông tin thật chính xác để ngư dân chủ động đối phó với bão tố, thời tiết xấu.
Dự báo hiệu quả là bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân, bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nghề đánh bắt hải sản của đất nước. Và một điều rất quan trọng là phải bảo vệ được ngư dân trên biển, đừng để tàu lạ húc chìm giữa biển khơi, đừng để kẻ lạ bắt bớ. Mỗi một lần tàu bị húc đắm hay bị bắt chuộc hàng trăm triệu đồng là ngư dân mất cả cơ nghiệp.
Chân Tâm